Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 15/10/2024 12:10
TMO - Ảnh hưởng của bão lũ vừa qua ở các địa phương vùng miền núi phía Bắc khiến nhiều hộ dân bị sạt lở vùi lấp nhà cửa. Vì vậy việc sắp xếp, bố trí tái định cư cho nhân dân vùng sạt, nguy cơ sạt lở đang trở nên cấp thiết nhằm ổn định cuộc sống.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (Yagi) và mưa, lũ sau bão ở các địa phương phía bắc khiến 240.291 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, 88.889 nhà dân bị ngập. Tại tỉnh Yên Bái, địa phương này có 54 người thiệt mạng (trong đó chủ yếu là do sạt lở đất), hơn 7.000 ha cây trồng thiệt hại. Mưa, bão, lũ cũng làm 27.331 nhà dân bị thiệt hại, trong đó 326 nhà sập đổ hoàn toàn, 973 nhà hư hỏng nặng…
Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, để giảm thiểu thiệt hại về người, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiến hành rà soát, di dời ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; hỗ trợ đảm bảo điều kiện sống cơ bản cho người dân phải di dời. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các khu vực sụt lún, sạt lở để có giải pháp phù hợp và chỉ cho phép các hộ dân trở về nhà khi đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên sau đợt thiên tai vừa qua, có 346 hộ dân bị sập đổ nhà ở và hàng nghìn hộ dân không thể quay về nhà vì nguy cơ sạt lở đất đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, việc sắp xếp dân cư sau thiên tai được tỉnh Yên Bái đặc biệt chú trọng thực hiện bằng các giải pháp như: bố trí ổn định dân cư tại chỗ (san gạt vị trí sạt lở để xây dựng nhà ở mới); sắp xếp dân cư xen ghép với các khu vực đảm bảo an toàn và tạo quỹ đất xây dựng các khu tái định cư để bố trí nơi ở mới cho người dân.
Trong đó, tỉnh ưu tiên 2 hình thức bố trí dân cư tại chỗ và xen ghép, bởi đây là giải pháp có thể triển khai thực hiện được ngay, cuộc sống của người dân ít bị xáo trộn, kinh phí thực hiện thấp. Trong khi xây dựng các khu tái định cư thì cần nguồn vốn lớn, thời gian thực hiện kéo dài và sẽ làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Hơn 300 căn nhà ở Yên Bái sụp đổ hoàn toàn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Ảnh: TT.
Đến nay, đối với hộ dân bị sập đổ nhà ở đã có 310 hộ được bố trí đất ở, còn lại 36 gia đình đang tiến hành rà soát quỹ đất để bố trí sắp xếp. Đối với 755 hộ dân phải di dời khẩn cấp, đã tổ chức cho các hộ dân di dời đến nơi an toàn và hiện đã tìm được đất ở cho 692 hộ. Với 63 hộ dân còn lại, các địa phương đang tiếp tục rà soát quỹ đất để bố trí sắp xếp.
Trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Yên Bái dự kiến bố trí ổn định 546 hộ dân (những hộ cần xây dựng các khu tái định cư cấp bách để di dời do bão số 3) theo hình thức tập trung, với 8 dự án, tổng kinh phí khoảng 295 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, số hộ cần bố trí ổn định dân cư vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn tỉnh gần 5.000 hộ, tổng nhu cầu vốn để xây dựng các khu tái định cư cần khoảng gần 900 tỷ đồng.
Hoàn lưu cơn bão số 3 đã để lại cho tỉnh Lào Cai những thiệt hại nặng nề, với số người chết và mất tích nhiều nhất cả nước. Trong đó, toàn tỉnh Lào Cai đã có 10.061 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi. Có 964 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn hoặc lớn hơn 70%; 810 nhà thiệt hại rất nặng 50-70%; 2.779 nhà thiệt hại nặng 30-50%; 2.952 nhà thiệt hại 1 phần và nhỏ hơn 30%. Ngoài ra, có 1.886 nhà bị ngập nước, 670 nhà hư hỏng công trình phụ trợ.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 314 điểm sạt lở đất trên 50m3 (Trong đó, có 93 điểm đã có biển cảnh báo và 221 điểm chưa có biển cảnh báo); 53 điểm có nguy cơ sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên 50m3 (1 điểm đã có biển cảnh báo và 52 điểm chưa có biển cảnh báo).
Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lào Cai dự kiến sắp xếp 1.443 hộ với tổng kinh phí đầu tư trên 262 tỷ đồng. Trong đó, sắp xếp 1.209 hộ ra khỏi vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn; sắp xếp dân cư vùng biên giới cho 234 hộ. Riêng năm 2024 sẽ sắp xếp 613 hộ. Đến nay, UBND cấp huyện đã khẩn trương phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ theo chương trình, đẩy nhanh tiến độ các nhà đang triển khai xây dựng chưa hoàn thành.
Có thể kể đến các điểm bố trí như: Dự án bố trí sắp xếp dân cư biên giới thôn Choán Ván - Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (quy mô 82 hộ); Dự án bố trí sắp xếp dân cư thiên tai, đặc biệt khó khăn thôn Cầu Xum, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng (32 hộ); Dự án di dân khẩn cấp nội thôn ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm thôn Cam 3, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (26 hộ); Dự án ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm thôn Đồi Tre (Nả Án), xã Mường Vi, huyện Bát Xát (73 hộ)...
Tại tỉnh Hòa Bình, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và mưa lớn trong những ngày cuối tháng 9, trên địa bàn tỉnh có 2.200 hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn do sạt lở đất và nguy cơ sụt lún. Trong đó, có hơn 300 hộ tiếp tục phải sơ tán và cần bố trí quỹ đất để tái định cư.
Qua rà soát trước mùa mưa bão năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 100 điểm với hơn 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nguy cơ thiên tai cao cần có phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư hoặc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ổn định đời sống cho người dân. Đặc biệt, ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt, sụt lún và nhiều điểm sạt lở đất đá từ taluy dương. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân.
Việc sắp xếp, bố trí tái định cư cho nhân dân vùng sạt, nguy cơ sạt lở đang trở nên cấp thiết nhằm ổn định cuộc sống. Ảnh: QH.
Trong tỉnh đã có trên 2.300 hộ bị thiệt hại về nhà ở; 2.200 hộ phải sơ tán đến nơi an toàn; di dời khẩn cấp 230 hộ ở 5 điểm sạt lở tại các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Mai Châu và TP Hòa Bình để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Mới đây, huyện Lạc Sơn tiếp tục phải di dời 8 hộ do nguy cơ sạt lở. Sau mưa bão đã có 1.928 hộ quay về nơi ở cũ. Hiện còn khoảng 330 hộ vẫn sơ tán cần bố trí quỹ đất tái định cư hoặc xen ghép. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa có nguồn kinh phí để bố trí quỹ đất, quy hoạch…
Hiện nay, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, với mức độ ngày càng gia tăng. Vì vậy, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở là việc làm cấp bách không thể chậm trễ. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động lên phương án đề xuất trình UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tái định cư cho các hộ dân, giúp người dân vùng thiên tai sớm ổn định cuộc sống lâu dài.
Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các thôn, bản, các gia đình bị vùi lấp mất nhà, tái định cư cho các bản, làng, nhà ở cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai cấp bách do các địa phương đề xuất, trong đó có phương án xây dựng khu tái định cư và di dân xen ghép, để di dân tại các địa bàn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn công tác đến những địa phương bị ảnh hưởng nặng do bão số 3 vừa qua. Qua khảo sát ở Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… việc ổn định đời sống nhân dân là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương có những phương án ổn định chỗ ở cho người dân, đặc biệt quan tâm tới những hộ bị mất trắng nhà cửa và nơi có nguy cơ cao sạt lở.
Việc bố trí các hộ dân bị mất nhà và những hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở cao cần theo hình thức xen ghép để ổn định cuộc sống. Các địa phương cần rà soát, xem xét, lựa chọn những nơi an toàn để xây dựng khu tái định cư lâu dài cho người dân. Việc xây dựng các khu tái định cư cũng cần tính đến bảo đảm đất sản xuất nông nghiệp cho người dân, tránh xa khu dân cư.
Bên cạnh đó, khi xây dựng các khu tái định cư, cần có khoảng cách an toàn với các vùng núi có nguy cơ sạt lở cao; đối với những vùng nguy cơ cao sạt lở cần có hệ thống cảnh báo thiên tai nhằm thông báo tới người dân kịp thời khi xảy ra sự cố. Mặt khác, khi xây dựng kết cấu hạ tầng cần chú ý xây nhà cộng đồng theo hướng đa chức năng vừa là nơi sinh hoạt văn hóa vừa làm du lịch và cũng là nơi cho nhân dân tránh trú khi xảy ra thiên tai.../.
Đức An
Bình luận