Hotline: 0941068156
Thứ ba, 22/07/2025 00:07
Thứ hai, 21/07/2025 14:07
TMO - Các địa phương kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đê điều đang thi công dở dang để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các tuyến đê trực diện biển khu vực bão đổ bộ.
Bão số 3 (Wipha) dự báo sẽ gây mưa rất lớn diện rộng, khả năng xảy ra lũ trên hệ thống sông, trong khi mực nước các hồ chứa lớn cơ bản xấp xỉ mực nước cao nhất trước lũ, mực nước hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang ở mức cao. Điều này nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đảm bảo hệ thống đề điều ứng phó bão số 3. Ảnh minh họa.
Để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại do bão, trong văn bản vừa ban hành mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị 13 tỉnh, thành phố gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh triển khai ngay công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Cụ thể, các địa phương kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đê điều đang thi công dở dang để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các tuyến đê trực diện biển khu vực bão đổ bộ. Trong đó, phải khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ).
Các đơn vị chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê biển, đê sông, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê; kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị và chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Thông báo đến chủ các phương tiện, công trình, người dân và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình hạ tầng... đối với các hoạt động ở khu vực ven biển và trên bãi sông. Sẵn sàng sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, ngoài bãi sông nơi không có đê bảo vệ… Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Các địa phương đang khẩn trương chằng chống nhà cửa, ứng phó bão mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 10h sáng nay 21/7, bão số 3 cách Quảng Ninh khoảng 190 km, Hải Phòng 310 km về phía đông; cách Hưng Yên khoảng 340 km, Ninh Bình khoảng 360 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9, giật cấp 11. Trong hôm nay, bão có thể mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 14 khi tiến vào vùng biển Hải Phòng - Thanh Hóa và duy trì cường độ tại khu vực này.
Dự báo từ ngày 21 đến 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 600 mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Nguy cơ cao xảy ra mưa cực đoan với lượng trên 150 mm trong 3 tiếng.
THẢO NGUYÊN
Bình luận