Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 18/01/2025 16:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Thứ bảy, 18/01/2025

Khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Gié-Triêng

Thứ bảy, 31/08/2024 12:08

TMO - Đồng bào dân tộc Gié Triêng tại tỉnh Kon Tum có nhiều đóng góp trên chặng đường khai phá, dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt dân tộc Gié Triêng ngày nay vẫn gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa cổ truyền. 

Để du khách trong và ngoài nước khám phá và hiểu được sâu sắc hơn về đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Gié-Triêng, UBND tỉnh Kon Tum đã công nhận “Làng du lịch cộng đồng Đắk Răng (xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi)” là điểm du lịch. Đây cũng là nơi sinh sống của dân tộc Gié-Triêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Nằm cách trung tâm huyện Ngọc Hồi 15km về phía Bắc, Làng Đắk Răng là một trong số ít những ngôi làng còn lưu giữ được nét đặc trưng về kiến trúc và văn hóa truyền thống của người Gié-Triêng. Với hơn 100 hộ dân, trong đó 99% là đồng bào Gié-Triêng, nơi đây mang đến cho du khách cơ hội đắm mình trong không gian văn hóa bản địa đậm đà bản sắc. 

Người Gié-Triêng quần cư theo làng. Đứng đầu làng là chủ làng hay còn gọi là Già làng, là người am hiểu các phong tục, tập quán và có uy tín cao nhất đối với dân làng, và cũng là người ra quyết định cuối cùng trong các cuộc họp của làng. Ngoài Già làng ra, trong làng còn có Hội đồng già làng gồm những người chủ lớn tuổi của các gia đình và người chỉ huy quân sự.

Người Gié-Triêng có nhiều loại nhạc cụ khác nhau, tiêu biểu là cồng chiêng và đinh tút. Ảnh: BND. 

Thêm một điểm độc đáo nữa đó là trong mỗi làng của người Gié-Triêng bắt buộc phải có một lò rèn và một chiếc búa công cộng. Mỗi làng sẽ bao gồm nhiều căn nhà - nơi sinh sống của các gia đình Gié Triêng, được bố trí dọc theo các con đường làng.

Điểm nhấn của người Gié-Triêng nói chung và của làng du lịch cộng đồng Đắk Răng nói riêng đó là nhà trưng bày sản phẩm truyền thống của 17 dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá trong nhà trưng bày của già làng - nơi lưu giữ các sản phẩm tự chế tác độc đáo của người Gié-Triêng. Những hiện vật này không chỉ là tài sản văn hóa quý giá mà còn là minh chứng sống động cho sự sáng tạo và tài năng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Đến Đắk Răng, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Từ việc học cách dệt thổ cẩm trên những khung dệt truyền thống, tham gia quy trình làm rượu ghè đặc trưng của vùng Tây Nguyên, đến việc thử sức với nghề đan lát truyền thống. Đặc biệt, những buổi giao lưu văn hóa cồng chiêng và múa xoang sẽ đưa du khách hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Trang phục truyền thống của đàn ông dân tộc Gié-Triêng là khố. Ảnh: MV

Từ xa xưa, người phụ nữ Gié - Triêng thường tranh thủ những lúc nông nhàn để dệt vải thổ cẩm. Khung cửi dệt vải của đồng bào nơi đây khá thô sơ, chỉ dệt được tấm vải khổ hẹp. Người dân thường trồng bông vào cuối tháng 4 và thu hoạch vào đầu tháng 10 (dương lịch). Bông sau khi thu hoạch, được phơi khô, sau đó xe thành sợi, đem nhuộm màu từ vỏ cây, quả tự nhiên rồi dệt thành sản phẩm váy, khố. Dưới bàn tay khéo léo, phụ nữ người Gié - Triêng đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống với hoa văn, màu sắc đặc trưng và kiểu dáng độc đáo.

Trang phục của người dân tộc Gié - Triêng có nhiều loại khác nhau như váy, khố, tấm áo khoác, mũ, xà cạp. Tuy trang phục đơn giản, nhưng rất hấp dẫn, tạo nên sắc thái riêng mà khi nhìn vào không lẫn với các dân tộc khác.

Đồng bào Gié-Triêng tổ chức các sự kiện văn hóa ở nhà rông Đăk Răng. Ảnh: QV.

Ẩm thực cũng là một trải nghiệm không thể bỏ qua khi muốn khám phá sâu hơn về dân tộc Gié-Triêng. Du khách có cơ hội tham gia vào quá trình chế biến các món ăn truyền thống cùng tổ ẩm thực của làng. Những món đặc sản như gà nướng, cơm lam, gỏi lá, heo làng nướng xiên không chỉ thỏa mãn vị giác mà còn là cách để du khách hiểu thêm về văn hóa ẩm thực độc đáo của người Gié-Triêng.

Hiện nay để đáp ứng nhu cầu của du khách đến thăm, khám phá bản làng của người Gié-Triêng, hệ  thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại Làng du lịch cộng đồng Đắk Răng đã được đầu tư khá đồng bộ. Từ hệ thống điện, nước sạch đến các biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng các tiêu chí của một điểm du lịch cộng đồng chất lượng. Đây không chỉ là cơ hội để du khách thư giãn, mà còn là dịp để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người vùng Tây Nguyên nói chung và đồng bào Gié-Triêng nói riêng.

 

 

Thu Nguyệt

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline