Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ ba, 04/01/2022 09:01
TMO - Du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, do đó cần xây dựng chiến lược phù hợp để du lịch nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.
Với địa hình đa dạng, nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc, Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tận dụng thế mạnh này, những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðây được xem là hướng đi mới góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững, đưa công tác xây dựng nông thôn mới vào chiều sâu và chất lượng.
Khai thác tiềm năng du lịch nông thôn.
Du lịch nông thôn không những góp phần đa dạng hóa ngành nghề, tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, mà còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Bà Mai Kiều Loan, chủ một Khu Du lịch đồng quê tại TP. Huế (TT-Huế) cho biết, Huế là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều làng nghề truyền thống, nơi lưu giữ nhiều phong tục tập quán từ các làn điệu dân ca đến những đặc trưng ẩm thực mang đậm nét văn hóa địa phương… rất phù hợp để phát triển du lịch nông thôn với các loại hình như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng. Tận dụng những lợi thế của địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư số tiền lớn để xây dựng mô hình trang trại trên diện tích gần 3 ha để vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đón khách tham quan.
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với bề dày lịch sử, sở hữu nhiều di sản văn hóa có giá trị, bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của các địa phương, thời gian tới, ngành du lịch cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn có tính đặc thù vùng miền.
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới theo các nhóm như: điểm đến du lịch nông nghiệp, điểm đến du lịch làng nghề, ngành nghề nông thôn và điểm đến du lịch văn hóa tâm linh. Ðẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực du lịch nông thôn, trong đó chú trọng bồi dưỡng nông dân kỹ thuật canh tác tiên tiến, kỹ năng, thái độ phục vụ khách du lịch. Tổ chức đội ngũ chuyên gia du lịch, nông nghiệp, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân khai thác phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch.
Khánh Linh
Bình luận