Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ tư, 05/06/2024 07:06
TMO - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển, hải đảo...do đó hoạt động quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia cần được đẩy mạnh triển khai nhằm hướng đến mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững.
Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông với 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% tổng dân số. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tài nguyên sinh vật biển ở Việt Nam khá đa dạng với khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau.
Nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam tương đối phong phú, toàn vùng biển đã xác định được 1.700 loài thủy sản thuộc hơn 730 giống, 260 họ; trong đó trên 130 loài có giá trị kinh tế cao. Khả năng khai thác cho phép từ nguồn thủy sản ở biển Việt Nam ước tính hơn 2,83 triệu tấn/năm. Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển có tổng diện tích trên 1,9 triệu ha, rất đa dạng về kiểu loại (rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều, cửa sông, vũng vịnh). Bên cạnh đó, biển Việt Nam có tài nguyên đa dạng bao gồm: các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển; rạn san hô; thảm cỏ biển; rừng ngập mặn; dầu khí và khoáng sản; năng lượng tái tạo; cảnh quan thiên nhiên; văn hóa vật thể và phi vật thể.
Việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước.
Những năm qua, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Giai đoạn 2011-2022, các ngành kinh tế biển đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế cả nước. GDP trung bình của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% GDP của cả nước. Thu nhập bình quân/người của các địa phương ven biển đạt khoảng 97 triệu đồng năm 2022, cao hơn bình quân cả nước.
Triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Việc khai thác, quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên biển quốc gia có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Vấn đề quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia là một trong những nội dung được Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sáng 4/6.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Bộ trưởng cho rằng biển là một thể thống nhất, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.
Để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Quy hoạch không gian biển quốc gia đã có phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nêu vấn đề Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu vực bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ có giải pháp như nào để hiện thực hóa mục tiêu trên của Đảng?
Trả lời đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết từ Nghị quyết này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng, các địa phương cũng đã được lồng ghép tổ chức thực hiện. Theo Bộ trưởng, ngoài các khu bảo tồn đa dạng, phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặn sử dụng đa mục đích theo hướng vừa bảo tồn vừa phát triển, vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi trồng thủy hải sản.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ trong Báo cáo số 124 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề cập đến những kết quả trong công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ đánh giá về những hạn chế trong công tác giáo dục pháp luật về biển đảo, cũng như những giải pháp để công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương nỗ lực phổ biến, tuyên truyền đến người dân về Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản, đặc biệt là vấn đề khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản.
Để ngăn ngừa hoạt động đánh bắt trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất với ý kiến của đại biểu Hồng Hạnh là công tác phổ biến pháp luật và ý thức trách nhiệm của người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền vấn đề này. Vừa qua, để tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường, Bộ đã phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương để phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước, đồng thời kịp thời kiểm tra, giám sát các sai phạm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến vấn đề đánh bắt thủy hải sản trái phép, không đúng quy định, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thông tin thêm, vừa qua, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tập trung vào quy hoạch không gian biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có định hướng nuôi trồng thủy hải sản ở vùng biển xa, thời gian tới cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và "hủy diệt" như hiện nay.
Việc khai thác, quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên biển quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Một trong những định hướng, nhiệm vụ Chiến lược đến năm 2030 là khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Ưu tiên bố trí không gian biển cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm, về khách quốc tế từ 8 - 10% /năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm. Ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.
Đồng thời, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo. Bảo vệ, duy trì hệ thống các khu bảo tồn hiện có; điều tra, khảo sát, đánh giá đề xuất thành lập các khu bảo tồn mới trên các vùng biển, ven biển và hải đảo; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn; phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái. Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, dịch vụ hệ sinh thái quan trọng được áp dụng chính sách bảo tồn hiệu quả, diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000.
Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi. Thiết lập, mở rộng và tăng cường năng lực quản lý các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản. Đến năm 2030, 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn.../
Thu Oanh
Bình luận