Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ năm, 16/11/2023 08:11
TMO - Thúc đẩy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên có tầm quan trọng phát triển bền vững tại tỉnh Ninh Thuận.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, có tổng diện tích 106.646 ha, bao gồm cả rừng, biển, bán sa mạc - nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Với vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, nơi đây sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng.
Kết quả khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học cho thấy, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có 1.514 loài thực vật, trong đó có 27 loài đặc hữu của khu vực Nam Trung Bộ, có 54 loài có tên trong Sách đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam. Tại đây còn có 763 loài động vật, trong đó có 60 loài quý hiếm, 48 loài đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách Đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Đặc biệt, Núi Chúa còn là nơi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc được bảo tồn bảo vệ nghiêm ngặt.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa sở hữu giá trị đa dạng sinh học về tài nguyên rừng, biển với nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Hệ sinh thái rừng ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn và là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu. Khu vực này được xem là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình năm dưới 700mm, thời tiết quanh năm nắng nóng. Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái bán khô hạn đặc thù với rộng khoảng 10.600 ha, chiếm trên 40% diện tích tự nhiên của Vườn. Chính tại nơi khô hạn này, thiên nhiên đã phô diễn sức mạnh tuyệt diệu khi từng mầm cây, chồi cỏ vươn mình khỏi mặt đất bỏng rát để hòa chung cùng màu xanh của núi rừng.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường quảng bá, phát triển Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Núi Chúa thành một điểm đến hấp dẫn của địa phương theo hướng bảo tồn bền vững. Bên cạnh nhiệm vụ tập trung bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng và biển, đơn vị quản lý còn khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù về nắng và gió để phát triển các loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm, khám phá như du lịch rừng; du lịch biển; du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học theo hướng phát huy các giá trị sinh thái thông qua các hoạt động du lịch để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Khu vực xung quanh vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa còn là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc bản địa như Raglay, Chăm và người Hoa. Họ cư trú lâu đời, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và làm ăn sinh sống bằng nhiều nghề như làm muối, trồng hành tỏi, chăn nuôi, làm nhạc cụ dân tộc… nên tạo thành một cộng đồng cư dân có nét độc đáo riêng trong khu vực. Sau khi được UNESCO công nhận, tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường quảng bá, phát triển Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Núi Chúa thành một điểm đến hấp dẫn của địa phương theo hướng bảo tồn bền vững các giá trị đa dạng sinh học.
Từ đầu năm đến nay, Vườn quốc gia Núi Chúa đón trên 130.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Để tăng thêm sức hút, Vườn đang tập trung thu hút các nguồn lực, đổi mới các hoạt động du lịch sinh thái như xây dựng các tour, tuyến mới trong rừng và trên biển nhằm tạo điểm nhấn. Vườn quốc gia này xác định việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gene và đa dạng sinh học của Núi Chúa.
Các loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm, khám phá như du lịch rừng, biển đang được khai thác tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới này.
Để bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển thế giới theo hướng bền vững, thời gian qua, Ban Quản lý VQG Núi Chúa đã triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm gắn với các chương trình phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân sống xung quanh vùng đệm. Đồng thời phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước triển khai các đề tài nghiên cứu, điều tra bổ sung danh lục các loài thực vật và động vật mới.
Về phát triển, mục tiêu dài hạn của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học của khu vực đồng thời với nâng cao đời sống cộng đồng dân cư địa phương, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng phát triển bền vững. Định hướng là phát triển bền vững theo hướng cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, trên cơ sở tăng nhanh tỷ trọng kinh tế tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Cùng với các hoạt động du lịch sinh thái, giao đất giao rừng và chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng, tỉnh sẽ tập trung những hoạt động kinh tế xanh nhằm thực hiện các mục tiêu đề bào tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa đã đề ra.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển, chỉ đứng sau Indonesia về số lượng tại khu vực Đông Nam Á. Kết cấu sinh thái của các Khu dự trữ sinh quyển này là điều kiện không thể thiếu đối với cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam và vô số các loài động thực vật đặc hữu. Việc thúc đẩy vai trò và giá trị của Khu dự trữ sinh quyển trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hoạch định chính sách quốc gia và phát triển bền vững.
Khu dự trữ sinh quyển là "nơi học tập để phát triển bền vững", nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội, bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Đã có nhiều sáng kiến, mô hình thành công trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai và nhân rộng trên khắp các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại nước ta.
Thảo Vân
Bình luận