Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ sáu, 10/11/2023 07:11
TMO - Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các Sở, ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng xử lý các nguồn thải, hướng đến chăn nuôi sinh học, an toàn dịch bệnh.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh, tính đến đầu năm 2023 toàn tỉnh có 103.700 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổng số đàn trâu là 13.221 con, đàn bò 89.424 con, đàn lợn 591.903 con, đàn gà 11.145.845 con và một số loại gia súc, gia cầm khác. Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi đều chăn nuôi ngay tại hộ gia đình, trong khu dân cư. Qua tính toán sơ bộ cho thấy, bình quân mỗi ngày, đàn gia súc, gia cầm thải ra khoảng 6.121 tấn phân tươi, 400.000 lít nước tiểu, trong khi đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi qua hầm biogas và các biện pháp xử lý khác của các hộ hiện nay chưa thể thể đáp ứng yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Với nhiều cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm gần đây, sản xuất chăn nuôi của tỉnh có bước phát triển cả về lượng và chất, khẳng định được vị trí quan trọng, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 3,34%/năm; năm 2021 tăng 7,2% và năm 2022 tăng 5,6%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là vùng nông thôn.
Mô hình nuôi bò sinh sản trên nền đệm lót sinh học của người dân tại Sông Lô, Vĩnh Phúc vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: BVP.
Trước thực trạng trên, từ tháng 9/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023. Đến tháng 6/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các trạm Khuyến nông huyện, phòng Kinh tế thành phố, UBND các xã tổ chức 39 hội nghị triển khai chương trình và tiến hành hỗ trợ 267 tấn chế phẩm và 2.520 tấn đệm lót sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi cho 21,5 triệu con gà, 350.000 con lợn, 5.000 con bò sữa và 2.800 con bò thịt.
Kết quả đánh giá cho thấy, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi không chỉ làm giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, bảo đảm an toàn dịch bệnh mà còn mang lại giá trị kinh tế. So với không sử dụng chế phẩm sinh học, hiệu quả kinh tế đối với chăn nuôi gà tăng hơn 13%; chăn nuôi lợn tăng 9% và chăn nuôi bò tăng 14,26%.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình trên, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2025. Theo đó, tỉnh hỗ trợ các hộ chăn nuôi gà 50% chi phí mua chế phẩm để làm đệm lót sinh học xử lý chất thải, định mức kỹ thuật 0,05 kg (lít) chế phẩm sinh học/con gà dành cho các hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 con/lứa trở lên). Đồng thời hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn cho các hộ có quy mô từ 10 con trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học và nguyên liệu làm đệm lót để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò cho các hộ có quy mô từ 5 con trở lên, 50% chi phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa cho các hộ có quy mô từ 3 con trở lên.
Trên địa bàn tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Ngoài ra, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 14 nghìn công trình xử lý chất thải bằng bể biogas; hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải cho 6 nghìn hộ chăn nuôi gà; hỗ trợ máy ép phân, bể trước và sau biogas. Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 70%. Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực như kinh tế, môi trường, xã hội. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.
Các hộ sản xuất đẩy mạnh sử dụng chế phẩm sinh học mùi hôi và bụi chuồng nuôi. Ảnh: TQ.
Chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021- 2023, giúp các hộ chăn nuôi và các địa phương giải quyết tốt được vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặt khác, thông qua chương trình nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, từng bước thúc đẩy quá trình “xanh, sạch hóa” chuồng trại, phát triển kinh tế tuần hoàn... Tuy nhiên, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn nan giải, cần tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, tạo tiền đề cho chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, theo hướng bền vững.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong phát triển ngành chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư theo quy định tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Sở TN&MT đôn đốc hướng dẫn UBND cấp huyện; UBND cấp xã hoàn thiện thủ tục về đất đai tại một số địa điểm được lựa chọn để đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung, đưa cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ra khỏi khu dân cư. Tập trung hướng dẫn, giải quyết các khu chăn nuôi tập trung của xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường để đảm bảo hoàn thành xong trong năm 2023. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, hướng dẫn, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định và quy trình xử lý chất thải chăn nuôi tại khu chăn nuôi tập trung được lựa chọn.
Sở Xây dựng thẩm định quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, thỏa thuận quy hoạch xây dựng do UBND cấp huyện phê duyệt; đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát quy hoạch xây dựng để điều chỉnh, bổ sung quỹ đất đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung đảm bảo quy định, phục vụ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư. Tập trung hướng dẫn, giải quyết các khu chăn nuôi tập trung của xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường để đảm bảo hoàn thành xong trong năm 2023.
UBND các huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, giám sát UBND cấp xã trong việc tổ chức triển khai, thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54, Luật Chăn nuôi năm 2018 đồng bộ, đạt hiệu quả; tổ chức rà soát, thống kê, phân loại rõ quy mô chăn nuôi nông hộ và quy mô chăn nuôi trang trại (lớn, vừa và nhỏ) để xác định thực trạng chăn nuôi trong khu dân cư trên địa bàn. Việc thống kê, phân loại phải xác định rõ các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đang hoạt động có phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi trong khu dân cư thực hiện đúng các yêu cầu theo quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định; tuyên truyền, vận động và thuyết phục các hộ chăn nuôi quy mô trang trại ở trong khu dân cư di dời ra khỏi khu dân cư theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tích cực tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư tại nơi thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” để cải thiện và bảo vệ môi trường sống, sinh hoạt cho người dân, đồng thời duy trì, phát triển kinh tế ổn định bền vững.
Trường hợp các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đang hoạt động không phù hợp quy hoạch, không đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhưng không chủ động thực hiện di dời; không thực hiện quy định bảo vệ môi trường theo quy định, phải kiên quyết cưỡng chế thực hiện di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi để cải thiện và bảo vệ môi trường sống, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, đồng thời duy trì, phát triển kinh tế ổn định lâu dài.
Mạnh Dũng
Bình luận