Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ ba, 19/07/2022 12:07
TMO - Theo quy hoạch đến 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ có 9 khu, 17 dự án xử lý rác và giảm dần tỷ lệ chôn lấp tại các khu xử lý. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số khó khăn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Vừa qua, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo báo cáo của UBND tỉnh, Đồng Nai có dân cư khá đông với hơn 3,2 triệu người, lượng rác phát sinh hàng ngày khoảng 2.000 tấn, tỷ lệ thu gom xử lý đạt 100%.
Ngoài ra, một lượng lớn rác thải từ 34 khu công nghiệp của tỉnh khiến việc xử lý rác mỗi ngày khá phức tạp. Hiện nay, chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được xử lý tại 4 khu xử lý gồm: Quang Trung, Vĩnh Tân, Túc Trưng và Xuân Tâm.
Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại Khu xử lý chất thải Quang Trung
Các dự án này đều đạt tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt dưới 15% với phương pháp tái chế chất thải thành mùn compost, công suất cơ bản đáp ứng được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh giai đoạn từ nay cho đến năm 2025.
Đồng Nai đã có nhà máy xử lý rác, tuy nhiên việc xử lý triệt để và tổ chức đưa hơn 2.000 tấn rác vào rác khu xử lý mỗi ngày gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, một số nhà máy đã tiến hành phân loại, tái chế một số loại rác, còn lại khoảng 15% (tương đương khoảng 300 tấn) phải đem chôn lấp. Tuy nhiên, việc xử lý số rác trên bằng cách chôn lấp cần diện tích đất lớn, do đó tỉnh phải tính toán để giảm tối đa lượng rác xử lý theo cách này.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập như tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn chưa cao, chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ tái chế còn thấp, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh… đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xử lý rác thải đang gặp phải nhiều khó khăn, trong đó vốn đầu tư nhà máy lớn, công nghệ được duyệt nhưng lượng chất thải tiếp nhận ít; Luật Bảo vệ môi trường không định hướng công nghệ, thiết bị xử lý; các khu xử lý tập trung khâu xử lý, chưa thực sự phục vụ tái chế, tái xử lý; đơn giá trần xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn thấp và quy định đấu thầu hàng năm gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Với những vướng mắc như trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành có liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện đấu thầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn tối thiểu 5 năm/lần theo kiến nghị của các chủ đầu tư các khu xử lý chất thải. Có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được sản xuất, tái chế từ rác, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư hạng mục công trình tái chế, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải.
Tỉnh Đồng Nai có những kiến nghị với Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về những nội dung liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và cần được tháo gỡ
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài chính ban hành định mức xây dựng giá trần xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các phương pháp xử lý để tạo thuận lợi và thống nhất về giá xử lý chất thải trên cả nước, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các chủ đầu tư. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các thủ tục môi trường để yêu cầu các chủ xử lý chất thải thay đổi công nghệ theo hướng tái chế, tái sử dụng và đốt thu hồi năng lượng…
Tỉnh Đồng Nai đã có những đề xuất với Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội liên quan đến 5 nội dung phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; hoạt động tái chế, thu hồi và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đơn giá thu gom, vận chuyển và các thủ tục đấu thầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phân công trách nhiệm quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ báo cáo, kiến nghị các vấn đề này trong phiên giải trình trước Quốc hội về quản lý chất thải rắn sinh hoạt để có sự điều chỉnh phù hợp, tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Đồng Nai cũng như cả nước nói chung.
Lê Vân
Bình luận