Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 03:11
Thứ tư, 14/06/2023 11:06
TMO – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Do đó, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 của khu vực là mức tăng trưởng bình quân phải đạt khoảng 6,5 - 7% /năm là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong Vùng.
Theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu trên, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách. Trong đó, việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật góp phần kích thích đầu tư, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, mở rộng các đô thị, khu công nghiệp. Từ đó thúc đẩy thị trường phát triển, làm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế, tạo động lực cho quá trình phân bố lại dân cư, lao động.
Thực tế, những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật Vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn Vùng.
(Ảnh minh họa)
Cụ thể, tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp; tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của Vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; tình hình BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân. Do đó, nhận thức đúng vai trò, vị trí của Vùng ĐBSCL trong yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, cũng như vai trò quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng cũng như ảnh hưởng do tồn tại, hạn chế của hệ thống kết cấu này đối với sự phát triển của Vùng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển ĐBSCL.
Theo UBND TP Cần Thơ, Vùng ĐBSCL chiếm 12,8% diện tích cả nước, dân số chiếm 18% cả nước, sản lượng lúa chiếm trên 50% cả nước, GDP chiếm khoảng 12% cả nước. Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh và bền vững phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của vùng; trở thành vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước”. TP Cần Thơ đặt các mục tiêu đến năm 2030: Tăng trưởng GRDP đạt mức 7 - 7,5%/năm giai đoạn 2025 - 2030. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9 - 11,5%/năm. Phấn đấu tổng thu ngân sách hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao. Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt trên 15%/năm. Đến năm 2030, GRDP/người đạt 9.400 - 11.000USD. Cơ cấu kinh tế: dịch vụ chiếm 56,5 - 56,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,0 - 34,3%...
Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á. Để thực hiện được mục tiêu, ưu tiên hàng đầu là phối hợp các cơ quan Trung ương đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng, qua địa bàn TP Cần Thơ như: Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023); Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (triển khai đầu tư giai đoạn 2022 - 2025); Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (triển khai đầu tư giai đoạn 2022 - 2027)...
Đồng thời, hoàn thành và triển khai hiệu quả Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng ĐBSCL với vai trò trung tâm vùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về Quy hoạch phát triển đô thị của thành phố Cần Thơ để cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển ĐBSCL cần có sự quan tâm, phối hợp của các Bộ, ngành. Việc tìm ra những giải pháp khả thi, tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố Cần Thơ nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung, kết nối khu vực với các tỉnh phía Nam luôn là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách, cần có sự hỗ trợ của Trung ương và sự phối hợp hỗ trợ của các địa phương.
THANH CÚC
Bình luận