Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ sáu, 22/11/2024 13:11
TMO – Vùng động lực khu vực đồng bằng sông Hồng sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, kết nối đô thị. Xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước, có sức cạnh tranh quốc tế. Xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại.
Theo đó, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng xác định tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 02 tiểu vùng (phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng) với 01 vùng động lực quốc gia (bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh), 04 cực tăng trưởng (gồm Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng) và 05 hành lang kinh tế (02 hành lang kết nối quốc tế; 03 hành lang kết nối vùng).
Định hướng phát triển các tiểu vùng, khu vực đồng bằng sông Hồng được chia thành 2 tiểu vùng (tiểu vùng phía Bắc và tiểu vùng phía Nam). Cụ thể: Tiểu vùng phía Bắc gồm 07 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Tiểu vùng này sẽ gắn chặt với phát triển vùng Thủ đô Hà Nội.
Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại - một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng. Ảnh minh họa.
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghiệp cơ điện tử, chíp bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot. Phát triển dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng, dịch vụ vận tải - logistics, du lịch tầm quốc tế; dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa và thể dục thể thao, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, an ninh và trật tự xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân.
Tiểu vùng phía Nam gồm 04 tỉnh là Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số lĩnh vực dịch vụ như vận tải, kho bãi và nhất là dịch vụ du lịch kết nối với tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng bờ và các nguồn lợi thủy, hải sản; bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển.
Định hướng phát triển vùng động lực và cực tăng trưởng
Với vùng động lực: Phát triển vùng động lực bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; hình thành trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế tạo tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, các ngành công nghiệp điện tử, tin học, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Hình thành, phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, kết nối đô thị. Xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước, có sức cạnh tranh quốc tế. Xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; là cửa ngõ của vùng gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; phát triển các ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển, du lịch biển đảo, kinh tế khoa học công nghệ biển và các ngành kinh tế biển mới (năng lượng tái tạo từ biển, công nghệ sinh học biển, dịch vụ và sản phẩm biển công nghệ cao…).
Xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung hình thành các trung tâm thương mại, tài chính lớn của quốc gia, các khu nghiên cứu - đào tạo công nghệ cao, trung tâm văn hóa - lịch sử lớn. Hình thành trục phát triển gắn với trục sông Hồng - là trục trung tâm với các hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch văn hóa gắn với trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô Hà Nội, các đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng.
Với các cực tăng trưởng: Hà Nội giữ vai trò dẫn dắt quá trình phát triển của vùng và cả nước; Hải Phòng giữ vai trò tiên phong trong phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển; Quảng Ninh giữ vai trò là một trong những đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của vùng, đặc biệt trong phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, du lịch, công nghiệp; Bắc Ninh giữ vai trò là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng, là địa phương kết nối trên tuyến hành lang công nghiệp quốc lộ 18.
Với định hướng phát triển các hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng (Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình); Hình thành trên cơ sở đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai; kết nối quốc tế và các vùng động lực, các đô thị, trung tâm kinh tế, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Tây và dải ven biển;
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, các trung tâm khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu, hiện đại, gắn với các trung tâm đô thị cấp quốc gia trên hành lang. Mở rộng phát triển đô thị và hệ thống khu, cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị trung tâm của tỉnh và vùng. Phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn, cửa khẩu quốc tế.
Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh: Là trục kết nối chủ đạo của vùng động lực; hành lang kết nối liên vùng, quốc tế, kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với vùng trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn của cả nước; thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và liên kết kinh tế với khu vực Tây Nam Trung Quốc. Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị; bố trí phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đặc biệt là logistics, du lịch theo hướng phát huy lợi thế của vùng; khai thác tiềm năng của vùng trung du và miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.
Hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng: Là hành lang kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với tiểu vùng Đông Bắc và Trùng Khánh, Trung Quốc. Tập trung phát triển dịch vụ logistic, trung chuyển hàng hóa quốc tế; các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch gắn với hình thành các khu đô thị hiện đại, thông minh; xây dựng trung tâm triển lãm quốc tế, các không gian mới cho công nghiệp văn hóa.
Quảng Ninh là một trong 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực phía Bắc.
Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình: Là hành lang ven biển kết nối các khu vực phát triển kinh tế năng động như các khu kinh tế ven biển, các khu đô thị, du lịch, nông nghiệp (nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản); tăng cường kết nối vùng với các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực phía Đông Nam Trung Quốc; thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng Nam sông Hồng, thu hẹp khoảng cách phát triển của tiểu vùng với toàn vùng và cả nước; Tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển. Đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế ven biển, các trung tâm du lịch, dịch vụ logistics, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, hình thành các cụm liên ngành trong phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển các đô thị, điểm dân cư ven biển theo hướng hình thành chuỗi đô thị ven biển; bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ và phát huy giá trị các nguồn lợi từ biển; phát triển các hệ thống công trình phòng, chống thiên tai, củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, hồ đập bảo đảm chủ động phòng, chống lũ.
Hình thành hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội: Là hành lang kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với tiểu vùng Tây Bắc và khu vực phía Bắc Lào; Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc.
BÙI HOÀNG
Bình luận