Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ ba, 02/07/2024 14:07
TMO - Công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian qua từng bước được thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý, điểm tập kết hiện nay trên địa bàn tỉnh ước khoảng 620 tấn/ngày, đạt khoảng 81% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý triệt để ước khoảng 430 tấn/ngày; được xử lý ở chôn lấp rác hợp vệ sinh thành phố Hưng Yên, lò đốt rác của công ty URENCO 11, lò đốt rác xã Dị Sử và xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi rác của thôn, xã và được phân loại xử lý tại hơn 138 nghìn hộ gia đình.
Bên cạnh nguồn rác thải sinh hoạt, Hưng Yên cũng chú trọng đến việc kiểm soát chất thải rắn công nghiệp. Địa phương này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển 17 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch với tổng diện tích gần 4.400ha. Trong đó, có 8 khu công nghiệp đã tiếp nhận các dự án đầu tư, 9 khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đi vào hoạt động, chưa tiếp nhận dự án..
Căn cứ vào định hướng phát triển đô thị, dân số và tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo từng giai đoạn, dự báo đến năm 2025, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị phát sinh trong toàn tỉnh là 1.162 tấn/ngày, trong đó lượng CTR sinh hoạt phát sinh từ thành phố Hưng Yên chiếm 26% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh trong toàn tỉnh. Dự báo đến năm 2030, tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh trong toàn tỉnh là 1.723,89 tấn/ngày, trong đó lượng CTR sinh hoạt phát sinh từ thành phố Hưng Yên chiếm 29,9% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh trong toàn tỉnh.
Trên cơ sở các chỉ tiêu phát sinh CTR và định hướng phát triển nông thôn, dự báo tới năm 2025, tổng lượng CTR sinh hoạt nông thôn phát sinh khoảng 338,6 tấn/ngày. Đến năm 2030, tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 474,7 tấn/ngày Dự báo khối lượng CTR công nghiệp căn cứ theo định hướng phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến năm 2025, tổng khối lượng CTRCN phát sinh trong toàn tỉnh là 2.085 tấn/ngày. Đến 2030, tổng khối lượng CTRCN phát sinh trong toàn tỉnh là 3.529,2 tấn/ngày.
Trên cơ sở định hướng phát triển hệ thống y tế trong toàn tỉnh, dự báo đến năm 2025 là 7.809 kg/ngày. Trong đó 35% lượng CTR phát sinh tại thành phố Hưng Yên nơi tập trung chủ yếu các bệnh viện cấp tỉnh và các bệnh viện chuyên ngành. Đến năm 2030, lượng chất thải rắn y tế toàn tỉnh là 10.442,9 kg/ngày...
Tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động khu xử lý CTR hiện có
Trước dự báo về các nguồn thải trên, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động khu xử lý CTR TP. Hưng Yên xử lý CTR cho TP. Hưng Yên và KXL Đại Đồng, huyện Văn Lâm xử lý một phần CTR cho các huyện còn lại trong tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu xử lý CTR tăng nhanh trong thời kỳ quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất xây dựng các khu xử lý CTR như sau:
Đối với các huyện Văn Lâm, Văn Giang, TX.Mỹ Hào có khoảng cách tới KXL Đại Đồng tương đối gần, vì vậy để đảm bảo CTR được thu gom, xử lý trong vòng 48 giờ sau khi phát sinh, duy trì các điểm trung chuyển CTR cho huyện. CTR sau khi thu gom sẽ chuyển đến các điểm trung chuyển sau đó đưa về KXL Đại Đồng.
Đối với các huyện Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ hiện chưa có KXL tập trung, lựa chọn một số bãi chôn lấp cấp xã hiện đang hoạt động để xử lý CTR tạm thời đến khi xây dựng xong các KXL tập trung nhằm hạn chế tình trạng vứt rác thải bừ bãi gây ô nhiễm môi trường. Sau khi xây dựng xong các KXL tập trung, các điểm này này sẽ chuyển thành các bãi thu gom, tập kết và trung chuyển CTR cho các huyện.
Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên có 5 KXL chất thải: Duy trì vận hành lò đốt rác thải Dị Sử, nghiên cứu nâng công suất nhà máy xử lý rác thải Dị Sử đạt 150 tấn/ngày. Mở rộng nhà máy xử lý đến điểm xã Liêu Xá, xã Trung Hò, huyện Yên Mỹ, diện tích khoảng 5h. Đối với hệ thống lò đốt rác thải sinh hoạt có thu hồi nhiệt công suất 600 tấn/ngày thuộc dự án Khu xử lý chất thải Đại Đồng giai đoạn 2, huyện Văn Lâm đi vào hoạt động.
Đầu tư và duy trì vận hành lò đốt rác thải tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời xây dựng khu xử lý, lò đốt rác thải sinh hoạt công suất 50 tấn/ngày tại các huyện: Huyện Yên Mỹ: Địa điểm tại xã Ngọc Long, tổng diện tích khoảng 2,2 ha (bao gồm cả hành lang ĐH.42); vị trí tiếp giáp đường ĐH.72; Huyện Khoái Châu: Địa điểm tại xã Tân Dân, tổng diện tích khoảng l,75 ha (gồm 1,21 ha xây dựng lò đốt rác và 0,54 h làm đường dẫn từ đường ĐT.377) diện tích khu xử lý rác hiện trạng 1,300 m2. Tại huyện Ân Thi: Địa điểm tại thôn Mai Xuyên, thị trấn Ân Thi, tổng diện tích khoảng 2,067 ha. Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, diện tích khoảng 4,98ha. Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, diện tích khoảng 4,56ha...
Địa phương này tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý rác thải tồn đọng; đồng thời, sớm triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải liên huyện.
Thời gian tới, để tiếp tục xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt, Hưng Yên triển khai một số giải pháp như yêu cầu các chủ đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung triển khai thực hiện dự án hoàn thành theo đúng thời gian cam kết; tạo điều kiện thuận lợi thu hút dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ xử lý rác thải có thu hồi nhiệt, phát điện.
Đồng thời, triển khai thực hiện thu theo giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng từ năm 2025 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Khuyến khích giảm phát thải, tái chế, tái sử dụng - phân loại, xử lý tại nguồn, xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải, thực thi chế tài xử lý các hành vi xả thải chất thải vi phạm quy định của cá nhân, hộ gia đình được hiệu quả.
Ngoài ra, địa phương này tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng ngừa ô nhiễm môi trường thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao, từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.
Thu hút đầu tư vào tỉnh những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế, tiến tới không tiếp nhận tiếp nhận dự án sản xuất công nghiệp rời lẻ ở ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp đã thành lập sớm đầu tư đầy đủ, đồng bộ hạ tầng về bảo vệ môi trường, công trình xử lý nước thải tập trung đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý rác thải tồn đọng; đồng thời, sớm triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải liên huyện, bao gồm lò đốt rác phù hợp.
Bích Hồng
Bình luận