Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 16:07
Thứ sáu, 18/07/2025 13:07
TMO - TP. Huế thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh, tích hợp được hình thức giao dịch thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng...
Sở Du lịch TP.Huế cho biết, Huế là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thể quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Về mặt địa lý, Huế đóng vai trò là điểm trung lộ trong mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không theo hai trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao khả năng kết nối, thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch trong cả hiện tại và tương lai.
Huế còn là nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một kinh đô với nhiều giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá. Hiện nay, Huế đã có 8 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Có 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hó, Thể thao và Du lịch công nhận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trên địa bàn TP.Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó gần 200 di tích đã được công nhận ở các cấp. Có hàng trăm lễ hội có nguồn gốc lâu đời, chứa nhiều giá trị đặc sắc. Địa phương cũng có hệ thống làng nghề đa dạng, một nền văn hóa ẩm thực phong phú và riêng có. Bên cạnh đó là nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, triển khai loại hình du lịch thông minh...
Hiện nay, ngành du lịch Huế đang phát triển theo hướng du lịch bền vững với nguyên tắc: Khai thác, sử dụng các tài nguyên một cách hợp lý, hạn chế sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn tính đa dạng, phù hợp với tổng thể kinh tế - xã hội. Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch.
TP.Huế hướng tới mục tiêu từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn (Ảnh minh họa).
Với những lợi thế này, trong giai đoạn 2025-2030, TP.Huế tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại những các địa phương trên địa bàn thành phố, xây dựng mô hình thí điểm Làng nghề du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch cộng đồng với du lịch nông nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Hoàn thiện mô hình thí điểm du lịch nông thôn, cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Ngư Mỹ Thạnh theo chỉ đạo của Trung ương và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2026-2030 với nguồn vốn đăng ký hỗ trợ từ Trung ương. Phấn đấu mỗi địa phương nông thôn mới có tiềm năng du lịch có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch cộng đồng, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố. Phấn đấu 70% điểm du lịch cộng đồng được giới thiệu, quảng bá.
Thành phố sẽ phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại các tuyến du lịch cộng đồng gắn với tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của các địa phương đã và đang khai thác như: du lịch sinh thái cộng đồng vùng đầm phá Tam Giang; du lịch sinh thái cộng đồng ở làng Lương Quán - Nguyệt Biều; du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống như Làng cổ Phước Tích, Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên - Tranh dân gian Làng Sình; du lịch văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc tại A Lưới; du lịch cộng đồng thôn Dỗi – Phú Lộc; du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn...
Triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi địa phương xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm gắn với lợi thế của địa phương như: Du lịch đầm phá, biển; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề, văn hóa bản địa, di tích lịch sử,…
Thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch liên thông kết nối tới tận điểm du lịch cộng đồng đã được chọn và công nhận. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của điểm du lịch cộng đồng; nâng cấp hoàn thiện hệ thống đường, hệ thống đèn chiếu sáng, bãi đỗ xe, biển chỉ dẫn, công nghệ thông tin, wifi, điểm đón tiếp, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản của địa phương, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm dịch vụ, tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí công cộng,… phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu trên, cùng với nhiều giải pháp khác, TP.Huế xác định ứng dụng công nghệ số là giải pháp quan trọng. Theo đó, thành phố khuyến khích thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh, tích hợp được hình thức giao dịch thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; tổ chức các chương trình, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hội chợ triển lãm kết nối các bên liên quan, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường khách tới các điểm du lịch cộng đồng.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số về các điểm du lịch cộng đồng và sản phẩm tương ứng. Tổ chức thí điểm và vận hành triển lãm thực tế ảo về trải nghiệm du lịch cộng đồng. Tổ chức chương trình khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng cho các đơn vị lữ hành để nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung - cầu về thị trường khách, sản phẩm, dịch vụ.
Xây dựng các ấn phẩm, phim quảng bá tiềm năng, lợi thế du lịch cộng đồng thành phố Huế. Khai thác có hiệu quả mạng xã hội, KOLs trong các chiến dịch quảng bá du lịch Huế gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng tại các hội thảo chuyên đề, sự kiện quảng bá du lịch, các chương trình kết nối du lịch nông nghiệp và Chương trình OCOP.../.
Thanh Nga
Bình luận