Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Chủ nhật, 03/12/2023 06:12
TMO - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Chính phủ Brazil đưa ra đề xuất thành lập một quỹ toàn cầu để tài trợ cho công tác bảo tồn rừng nhiệt đới trên toàn thế giới, với tổng mức đầu tư lên tới 250 tỷ USD.
Chính phủ Brazil cho biết sáng kiến mang tên gọi “Bảo vệ rừng nhiệt đới mãi mãi” sẽ giúp hỗ trợ kinh phí cho khoảng 80 quốc gia trên thế giới trong việc bảo vệ các khu rừng nhiệt đới với các khoản thanh toán hàng năm dựa trên diện tích rừng được bảo tồn hoặc phục hồi. Những nước tham gia quỹ phải đảm bảo có tỷ lệ phá rừng ở mức thấp và giảm dần theo quy định. Ngược lại, những nước có tỷ lệ phá rừng tăng sẽ bị phạt. Các quốc gia có rừng nhiệt đới sẽ phải góp phần cải thiện đề xuất này nhằm chung tay huy động nguồn tài chính cho việc bảo vệ các khu rừng nhiệt đới, sự đa dạng sinh học cũng như những người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Chính phủ Brazil đưa ra đề xuất thành lập một quỹ toàn cầu để tài trợ cho công tác bảo tồn rừng nhiệt đới trên toàn thế giới, với tổng mức đầu tư lên tới 250 tỷ USD.
Trong sáng kiến này, phía Brazil kêu gọi tạo ra một công cụ toàn cầu để trả thù lao cho việc duy trì và phục hồi các khu rừng nhiệt đới. Quy mô quỹ ban đầu là 250 tỷ USD và sẽ được ký thác vào một tổ chức tài chính quốc tế, nơi có thể huy động thêm nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu có rủi ro thấp. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, đề xuất của Brazil có mô hình gần giống với Quỹ Bảo vệ rừng Amazon, trong đó quốc gia Nam Mỹ này muốn các nước giàu có hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến bảo vệ rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Brazil hiện có khoảng 60% diện tích rừng nhiệt đới Amazon nên hoạt động bảo tồn khu vực có vai trò lớn đối với những nỗ lực hạn chế sự nóng lên toàn cầu, cũng như việc bảo đảm sự tồn tại của các loài thực vật và động vật quan trọng. Những khu rừng như Amazon và Congo ở châu Phi giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn khí nhà kính CO2. Nhưng chúng phần lớn nằm ở các nước quốc gia nghèo và thường xuyên bị tàn phá để khai thác gỗ giá trị cao hoặc phục vụ hoạt động khai thác mỏ.
Năm 2021, hơn 100 quốc đã gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, hứa hẹn đầu tư 19 tỷ USD cho các quỹ công và tư để bảo vệ và phục hồi rừng. Đầu năm 2023, các nhà lãnh đạo từ Amazon, lưu vực Congo và Đông Nam Á đã ký kết tuyên bố kêu gọi một cơ chế tài chính mới để cộng đồng quốc tế chi trả cho các dịch vụ lâm nghiệp quan trọng. Trên toàn cầu, nạn phá rừng đã tăng 4% ở năm 2022 so với năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng này đã giảm đáng kể tại những quốc gia có rừng nhiệt đới lớn như Brazil, Indonesia và Malaysia. Số liệu thống kê cho thấy, nạn phá rừng Amazon tại Brazil đã giảm 22% trong năm 2023. Quỹ Amazon của quốc gia này đã được khôi phục hồi đầu năm với sự hỗ trợ của Đức và Na Uy.
Minh Vân
Bình luận