Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Chủ nhật, 17/12/2023 05:12
TMO - Những năm trở lại đây, lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng nhanh, tạo ra những áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này.
Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 cùng sự đổi mới sáng tạo công nghệ đã khiến việc sản xuất các thiết bị điện, điện tử phát triển mạnh mẽ, nhu cầu thay đổi các sản phẩm điện, điện tử ngày càng cao dẫn đến gia tăng lượng lớn rác điện tử. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mà lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng nhanh, tạo áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này.
Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cho biết: Riêng năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử, với mức bình quân 2,7kg/người. Cùng với đó, thống kê từ Viện cũng chỉ ra, hiện mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải tivi có thể lên tới 250.000 tấn.
Hiện nay tỷ lệ tái chế chất thải điện tử còn đang ở mức độ thấp, mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa bằng các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa thể tái chế được các kim loại quý, vốn có hàm lượng cao trong chất thải điện tử. Rác thải điện tử được thải ra từ những loại máy móc, thiết bị, đồ dùng điện tử như tivi, máy tính, điện thoại, các thiết bị âm thanh...bị hư hỏng, không có khả năng sửa chữa hay những sản phẩm đã lỗi thời.
Trên cả nước rác điện tử đang gia tăng nhanh chóng về số lượng và ngày càng đa dạng về chủng loại. Điều đáng nói, trong rác thải điện tử nó có chứa những vật liệu, linh kiện hoặc thậm chí là những hóa chất gây hại. Do đó, nếu không xử lý rác tiện tử đúng cách thì rất dễ khiến những chất này ngấm sâu vào lòng đất, nước, gây ra những tác hại khôn lường tới môi trường và sức khỏe con người.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn, về trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ (gọi tắt là EPR). Theo đó, quy định, các loại chất thải điện, điện tử như: Máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động... thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, áp dụng từ ngày 1/1/2025. Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Cụ thể, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin sử dụng một lần có trách nhiệm đóng góp tài chính (1% doanh thu) vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, trong đó có pin. Đối với pin sạc, ắc quy thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế pin, ắc quy.
Hiện nay tỷ lệ tái chế chất thải điện tử tại nước ta vẫn ở mức độ thấp.
Việc tái chế chất thải điện tử theo mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này. Điều này cũng đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2020, trong đó có quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với các loại chất thải điện tử. Do vậy, việc thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về thu gom, phân loại, tái chế, nhất là tiêu chuẩn, tiêu chí đối với các sản phẩm tái chế, tái sử dụng là những giải pháp đầu tiên để thực hiện có hiệu quả tái chế chất thải điện tử theo kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần có nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể phân kim thu hồi kim loại quý để giải quyết được lượng rác thải phát sinh trong nước và dần dần nâng cấp các mô hình tái chế tự phát thành mô hình thu gom, phân loại có kiểm soát. Bên cạnh đó, cần có mạng lưới thu gom chất thải điện tử hiệu quả hơn, thực hiện bởi những đơn vị có chuyên môn.
Đồng thời, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng kỹ thuật thực tiễn ở quy mô công nghiệp, trong đó, cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử phải thiết lập quy trình chung cho tất cả vật liệu được đưa vào tái chế. Việt Nam cần sớm có luật về quản lý rác thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế; xây dựng hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ theo đúng quy định pháp luật nhằm truy xuất nguồn gốc rác thải điện tử và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển sản phẩm thải bỏ.Để phục vụ hệ thống EPR tại Việt Nam, cần đưa hệ thống thu gom tư nhân vào các hoạt động của EPR. Điều chỉnh quy định pháp luật (tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế, định mức tái chế) kịp với thời điểm ban hành các quy định liên quan. Phát triển các cơ sở tháo dỡ, phân loại chất thải điện tử chính quy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay, cơ quan này đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải. Khi Thông tư được ban hành và có hiệu lực thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ các địa phương, các đơn vị tái chế tổ chức việc thu gom, xử lý, tái chế chất thải nói chung và pin, ắc quy nói riêng. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; trong đó sẽ sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tích cực triển khai hiệu quả việc thu gom và xử lý chất thải rắn nói chung và pin, ắc quy nói riêng đã qua sử dụng từ cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định.
Mạnh Dũng
Bình luận