Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ ba, 18/04/2023 12:04
TMO - Cùng với quá trình đô thị hóa, việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày càng lớn. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế, khuyến khích thu hút đầu tư các dự án điện rác, tập trung vào việc tái chế và nâng cấp các bãi chôn lấp để ngăn chặn các tác động môi trường và sức khỏe, nhất là ứng dụng công nghệ chuyển hóa chất thải thành năng lượng.
Biến rác thải thành năng lượng là công nghệ đang được áp dụng khá phổ biến tại các nước phát triển. Công nghệ này đem lại những hiệu quả vượt trội trong việc xử lý rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường với khả năng xử lý lượng rác lớn một cách triệt để. Vì vậy, công nghệ đốt rác phát điện đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các nước có nguồn đất đai và năng lượng hạn hẹp, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Ngoài ra, hiện doanh nghiệp còn gặp không ít rào cản, nhất là về cơ chế chính sách, nên dù có vốn và công nghệ nhưng vẫn phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố phát sinh bình quân mỗi ngày từ 10.000 tấn đến 10.500 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, lượng rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh hiện nay vẫn còn khá cao, lên đến 69%. Đây là một trong những nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể trên địa bàn thành phố do quá trình phân hủy kỵ khí thành phần hữu cơ trong rác tại các bãi chôn lấp.
Chôn lấp rác thải vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đòi hỏi các địa phương nghiên cứu triển khai dự án điện rác. Ảnh: CK.
Mặc dù các bãi chôn lấp tại thành phố sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, luôn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, tuy nhiên, công nghệ chôn lấp chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế của thành phố ở giai đoạn trước đây, trong đó hạn chế lớn nhất là tồn tại mùi hôi trong một số thời điểm. Định hướng của thành phố trong công tác xử lý chất thải rắn đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hướng đến quản lý môi trường xanh; ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh.
Việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải đã nhiều lần được chính quyền thành phố nhắc đến và có văn bản chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, năm 2017, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND đặt chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%. Tiếp đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã thông qua chỉ tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 2030: 100%).
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao tỷ lệ xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện, TP.HCM đang triển khai quyết liệt hai nhóm giải pháp bao gồm chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu sang đốt phát điện và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác mới theo phương thức Đối tác công-tư (PPP).
Các dự án điện rác cần được được gỡ vướng về cơ chế, chính sách để tăng cường khuyến khích thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt (đốt rác phát điện). Nhưng các dự án này hiện vẫn chưa đi vào hoạt động do gặp một số vướng mắc về chính sách, thủ tục pháp lý.. .Theo đánh giá của các chuyên gia rào cản chính sách là nguyên nhân chủ yếu cho việc chậm triển khai các dự án điện rác tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng.
Các cơ sở pháp lý hiện còn mang tính định hướng chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, nhiều nội dung còn chồng chéo và bị chi phối bởi nhiều luật, nghị định khác. Trong đó, Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam mặc dù đã ban hành các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng lại ràng buộc các dự án xử lý chất thái theo quy hoạch ngành điện, dẫn tới việc triển khai gặp khó khăn.
Ngoài ra, thông tư 32/2015/TT-BCT quy định, các dự án đốt rác phát điện được bán lại toàn bộ sản lượng điện cho ngành Điện nhưng giá mua điện tại Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí biogas phát điện... chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ về giá mua điện. Đến nay, hành lang pháp lý chưa có hướng dẫn về giá xử lý chất thải rắn áp dụng cho công nghệ điện rác và chưa có bộ tiêu chí phục vụ thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý chất thải rắn.
Để phát triển công nghệ điện rác, các chuyên gia kiến nghị cần cụ thể hóa cơ chế chính sách để phát triển công nghệ điện rác như: Quy hoạch, đầu tư; giá mua điện; tiêu chuẩn thẩm định kỹ thuật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; phân loại chất thải rắn. Đồng thời sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII và lập quy hoạch phát triển điện rác theo Quyết định 31/2014/QĐ-TTg. Đồng thời sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành cũng như hình thành các nguồn vốn vay hỗ trợ trực tiếp đầu tư cho điện rác…
Cơ quan chức năng sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành; hình thành các nguồn vốn vay hỗ trợ trực tiếp đầu tư cho diện rác. Đồng thời, xây dựng cơ chế tín chỉ carbon thay thế cơ chế phát triển sạch (CDM) với giá tốt; xây dựng quy trình kiểm kê, xác nhận hàng năm thuận lợi cho doanh nghiệp và có chính sác ưu đãi thuế, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực nhận thức của doanh nghiệp tham gia phát triển dự án đốt rác phát điện.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, dự kiến đến năm 2025, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại TP.HCM là khoảng 12.500 tấn. Trong khi đó, lượng rác thải xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế mà các doanh nghiệp đang triển khai và đề xuất triển khai là khoảng 10.000 tấn/ngày. Nếu các nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đúng tiến độ và việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án mới có kết quả, nhà đầu tư hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành theo kế hoạch thì TP.HCM đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 80% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế vào năm 2025 và hướng tới 100% vào năm 2030.
Lê Hòa
Bình luận