Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ sáu, 25/10/2024 12:10
TMO - Hòa Bình là một trong những tỉnh triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 sớm và chất lượng. UBND tỉnh Hòa Bình đã tập trung nguồn lực, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ triển khai thi hành, phát huy tính ưu việt của Luật.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cùng với đó là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã được Chính phủ, các Bộ, ngành tham mưu ban hành kịp thời, trong đó có 4 Nghị định hướng dẫn thi hành quan trọng do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng trình Chính phủ. Để thực hiện có hiệu quả các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung đổi mới của Luật đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tỉnh Hoà Bình tập trung mọi nguồn lực nhằm quán triệt, phổ biến các Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để tạo điều kiện cho các các cấp quản lý, Lãnh đạo nắm bắt được quy định pháp luật thuộc lĩnh vực đất đai, trao đổi, đề xuất tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật về Luật Đất đai nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ Lãnh đạo Bộ TN&MT, Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước. Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ TN&MT và các địa phương tập trung triển khai thi hành để luật và các văn bản hướng dẫn thi hành sớm đi vào cuộc sống.
Qua theo dõi tình hình triển khai thi hành Luật trên cả nước, tỉnh Hòa Bình là một trong những tỉnh, thành triển khai thi hành Luật sớm, đồng thời cũng rất quan tâm, chỉ đạo xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền được Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành và các điều kiện thi hành luật, cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Do đó, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo Sở TN&MT và các Sở ngành liên quan tập trung xây dựng, trình ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và các Nghị định.
Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực đất đai trên địa bàn để đảm bảo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo nhằm triển khai thi hành thông suốt, khả thi, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
(Ảnh minh hoạ).
Đặc biệt, UBND tỉnh Hoà Bình cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành các văn bản định mức kinh tế - kỹ thuật về đơn giá, định giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Chú ý quan tâm tới tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan quản lý đất đai như: Trung tâm Phát triển quỹ đất, Quỹ Phát triển đất, Phòng TN&MT cấp huyện để đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ được giao trong Luật và các Văn bản hướng dẫn thi hành...
Lãnh đạo Tỉnh ủy Hoà Bình cho rằng, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, do đó nếu địa phương hiểu đúng, tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định sẽ tác động vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bởi hơn 80% khiếu nại, tố cáo ở liên quan tới lĩnh vực đất đai.
Vì vậy, nếu giải quyết được vấn đề này, nhất là trong công tác, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng… sẽ góp phần bảo đảm ổn định xã hội. hiện nay trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án trọng điểm, dự án đầu tư công còn vướng mắc từ khi thực hiện theo Luật Đất đai 2013, do đó, đề nghị các địa phương còn vấn đề gì vướng mắc, khó khăn lớn khi triển khai Luật Đất đai 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành cần có ý kiến để lãnh đạo Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc Bộ để được tháo gỡ, giải quyết nhằm thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hoà Bình cần tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật về đất đai, bám sát vào nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân bằng các hình thức phù hợp.
Từ đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về lĩnh vực đất đai, đặc biệt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, công nhận, công nhận lại quyền sử dụng đất, cấp GCN quyền sử dụng đất tạo thuận lợi cho người sử dung đất và trong quá trình triển khai thực hiện các công trình dự án góp phần phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Kim Ngân
Bình luận