Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ ba, 24/09/2024 14:09
TMO - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) đã triển khai các mô hình sinh kế phù hợp với lợi thế của các địa phương, qua đó giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Huyện Bảo Lạc có 15 xã thuộc khu vực III và 121 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 98,59%. Dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với trên 90% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Hết năm 2023, theo kết quả rà soát tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều, hơn 55% số hộ gia đình (tương đương hơn 6.200 hộ) trong huyện thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 41,8%. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao như Hồng Trị (52,96%), Đình Phùng (53,47%), Phan Thanh (55,67%)...
Quan tâm đến các hộ nghèo, cận nghèo theo hướng giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, huyện Bảo Lạc xác định thông qua các mô hình sinh kế, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng để hỗ trợ các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, tạo việc làm cho lao động nông thôn cũng là nhiệm vụ quan trọng để địa phương này hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lạc được tiếp cận nguồn vốn, phát triển chăn nuôi.
Xã Huy Giáp hiện nay là vùng trồng trúc sào lớn nhất huyện Bảo Lạc. Xã có 9 xóm với hơn 740 hộ dân, trong đó, 70% là đồng bào dân tộc Dao. Đến nay, xã đã có trên 1.000ha trúc sào với hơn 700ha cho khai thác. Xác định phát triển kinh tế đồi rừng, đặc biệt cây trúc sào là cây trồng thế mạnh, góp phần giảm nghèo tại địa phương, thời gian qua, xã lồng ghép các nguồn vốn chương trình, dự án trên địa bàn hỗ trợ người dân mua giống mở rộng diện tích trúc sào.
Đồng thời, phối hợp với phòng chức năng của huyện mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng đất đồi núi, bỏ hoang và chuyển đổi diện tích trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng trúc sào. Do đó, diện tích trúc sào của xã hàng năm đều tăng. Nhiều hộ dân tại xã đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Với việc triển khai hiệu quả các mô hình sinh kế, nhất là thông qua vốn vay hỗ trợ, nhiều hộ dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển kinh tế hiệu quả. Năm 2024, gia đình anh Lầu A Vung (xóm Khuổi Bốc, xã Bảo Toàn) đã thoát khỏi diện nghèo của xã. Năm 2023, gia đình anh Vung được thụ hưởng Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi bò cái sinh sản từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mức hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò giống.
Cùng với vốn đối ứng, vợ chồng anh mua 1 cặp bò và bê để phát triển chăn nuôi. Được hỗ trợ con giống, gia đình anh có thêm động lực phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Từ kinh nghiệm chăn nuôi, gia đình anh trồng thêm cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi, chuồng trại cũng được tu sửa. Nhờ phát triển chăn nuôi bò sinh sản, kinh tế gia đình có sự đổi thay đáng kể.
Cùng với 22 hộ xóm Khuổi Bốc, trong xã Bảo Toàn, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi bò cái sinh sản còn triển khai tại 22 hộ gia đình nghèo ở xóm Cốc Chom (xã Bảo Toàn). Theo đó, 44 hộ nghèo này được hỗ trợ tổng kinh phí 453 triệu đồng để mua 44 con bò cái sinh sản. Đến năm 2024, số bò cái này đã sinh thêm 15 con bê, các gia đình có thêm động lực sản xuất với nhiều hy vọng ổn định cuộc sống.
Với nguồn vốn vay từ ngân hàng, nhiều hộ dân tại xã Cốc Pàng mở rộng diện tích trồng cây hồi, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Tại xã Cốc Pàng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó, gia đình anh Chánh Văn Siu, xóm Cốc Mòn, xã Cốc Pàng mạnh dạn vay 50 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề trong thời gian 5 năm. Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Lạc, gia đình anh có điều kiện để chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hồi.
Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền xã trong việc hướng dẫn trồng mới áp dụng các quy trình kỹ thuật như làm đất, chọn giống, phân bón, chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học an toàn... Hiện nay gia đình Siu trồng 7.000 cây hồi, dự định sẽ phát triển lên 8.000 - 9.000 cây hồi. Sau khi cây hồi thu hoạch sẽ cho nguồn thu nhập ổn định, giúp thoát nghèo bền vững...
Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Dự án 2 “đa dạng hóa phát triển sinh kế” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Bảo Lạc giải ngân 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương triển khai thực hiện 46 dự án, trong đó có 13 dự án chăn nuôi, 33 dự án trồng trọt, chủ yếu là các cây, con tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: quế, hồi, dâu tằm, trúc sào, mận, nuôi bò sinh sản, lợn đen bản địa.
Riêng năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo 10,2 tỷ đồng. Đến nay, huyện giao cho 16 xã thực hiện theo Nghị quyết số 29 của HĐND huyện. Để khai thác tối đa hiệu quả nguồn vốn, địa phương chủ động phân bổ, lồng ghép với các chương trình, chính sách hỗ trợ đặc thù; lựa chọn những mô hình sản xuất phù hợp với thực tế để nhân rộng, tăng cường đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, trang bị thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Nhằm phát huy lợi thế của địa bàn miền núi, huyện Bảo Lạc tập trung phát triển kinh tế đồi rừng. Toàn huyện có diện tích tự nhiên 92.072,89 ha với hơn 82.889 ha đất lâm nghiệp. Huyện chú trọng mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao (trúc sào, hồi, quế...); chú trọng phát triển một số loại cây ăn quả đặc sản, đặc hữu của địa phương như lê vàng, mận máu. Ngoài nuôi bò sinh sản, trồng trúc sào, các mô hình sinh kế khác cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Bảo Lạc như: trồng dâu, nuôi tằm, trồng hồi để chiết xuất tinh dầu, nuôi lợn đen bản địa...
Thời gian tới, huyện Bảo Lạc tiếp tục tập trung phát triển các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng dâu, nuôi tằm, trồng trúc sào, trồng hồi để chiết xuất tinh dầu, nuôi bò cái sinh sản, nuôi lợn đen bản địa. Mở rộng diện tích trồng lúa nếp Hương, mận máu bản địa. Tiếp tục rà soát và định hướng tổ chức các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với quỹ đất, khí hậu của từng vùng, từng xã theo hướng chuyển đổi từ tự cung, tự cấp sang hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.../.
Trần Nam
Bình luận