Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ hai, 01/07/2024 14:07
TMO - Tỉnh Bắc Giang xác định, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được xem là giải pháp quan trọng, giúp khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đang tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh triển khai 144 dự án, mô hình giảm nghèo (11 dự án trồng trọt, 133 dự án chăn nuôi) với gần 3,4 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Trong đó, 87 mô hình thuộc hai chương trình: 30a và 135. Một số dự án hiện vẫn duy trì hiệu quả như: Nuôi bò sinh sản tại các xã Đồng Tiến, Canh Nậu, Tiến Thắng, Đồng Hưu (Yên Thế); nuôi dê, thỏ, ong kết hợp trồng rừng tại xã An Bá, Yên Định, Tuấn Đạo (Sơn Động); trồng cam, bưởi tại xã Lục Sơn (Lục Nam), Tân Sơn (Lục Ngạn)…
Việc đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất đã khai thác được thế mạnh của địa phương; các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án, mô hình không chỉ được hỗ trợ cây, con giống mà còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm gần 5,4 nghìn hộ, tương đương tỷ lệ giảm 1,18% so với năm 2022 (vượt kế hoạch 0,18%). Hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%, giảm 0,8% so với năm 2022.
Nhiều mô hình sinh kế đã được triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ các hộ dân ổn định đời sống kinh tế.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, ngoài áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi chung và đặc thù, Sở tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hằng năm trên cơ sở phân bổ hợp lý nguồn hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên kinh phí cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất, nâng cao thu nhập, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Tại tỉnh Bắc Giang, Sơn Động là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước, có hơn 50% người dân tộc thiểu số. Đây cũng là 1 trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh được đầu tư hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào năm 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 thoát khỏi danh sách huyện nghèo, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 huyện đã đưa ra kế hoạch: Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 80 dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo Sơn Động. Hỗ trợ 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có sức lao động và nhu cầu việc làm huyện được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Năm 2023, huyện Yên Thế còn 876 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,83%, giảm so với năm 2022 là 275 hộ, tương đương với 0,94% (vượt kế hoạch tỉnh giao 0,45%). Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện: Qua khảo sát, huyện triển khai dự án nuôi bò sinh sản bởi đây là loài vật dễ nuôi, ít rủi ro về dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào nhờ địa hình nhiều đồi núi.
Năm 2024, từ nguồn phân bổ hơn 3,6 tỷ đồng cho dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), Phòng chỉ đạo cán bộ lao động thương binh và xã hội ở 6 xã: Canh Nậu, Đồng Hưu, Đồng Lạc, Tân Hiệp, Hồng Kỳ, Tam Hiệp rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia dự án nuôi bò sinh sản”. Để bảo đảm nguồn hỗ trợ phát huy hiệu quả, các hộ được lựa chọn cấp vốn (18 triệu đồng/hộ) phải có năng lực để đối ứng một phần kinh phí xây dựng chuồng trại và có sức khỏe duy trì, phát triển mô hình.
Năm 2023, huyện Hiệp Hòa còn 947 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,61%; cận nghèo còn 1.513 hộ, chiếm tỷ lệ 2,57%, vượt chỉ tiêu đề ra của năm. Để phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,04%, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân.
Từ nguồn vốn hơn 2,9 tỷ đồng hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (dự án 2) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, huyện Hiệp Hòa phân bổ kinh phí cho 8/25 xã, thị trấn xây dựng các dự án sản xuất. Nguồn vốn được phân bổ cụ thể cho các xã: Xuân Cẩm (600 triệu đồng), Mai Đình (442 triệu đồng), Châu Minh (400 triệu đồng); 5 xã: Hoàng Vân, Hương Lâm, Hoàng An, Quang Minh, Hòa Sơn, mỗi xã được phân bổ 300 triệu đồng.
Theo nhu cầu của người dân đăng ký và điều kiện thực tế địa phương, dự án thực hiện năm 2024 là nuôi bò sinh sản. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được lựa chọn tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 60% kinh phí mua bò giống (khoảng 15 triệu đồng/hộ); phần còn lại gồm kinh phí xây dựng chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi do người dân đối ứng. Các hộ tham gia dự án còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Thời điểm này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đang triển khai việc ký hợp đồng với đơn vị cung ứng giống; tổ chức bàn giao bò cho các hộ, dự kiến hoàn thành trong tháng 7.
Năm 2024, các địa phương chủ động phân bổ, lồng ghép với các chương trình, chính sách hỗ trợ đặc thù; lựa chọn những mô hình sản xuất phù hợp với thực tế địa phương để nhân rộng.
Năm 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX còn 12,6%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tạo sức bật cho các xã đặc biệt khó khăn, hướng tới mục tiêu cuối cùng là giảm nghèo bền vững, không tái nghèo, cùng với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Sở phối hợp các ngành liên quan rà soát, đánh giá lại các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất để đề xuất xây dựng cơ chế phù hợp với các xã đặc biệt khó khăn theo hướng cho vay một phần, có đối ứng; ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động người dân tộc thiểu số.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2024, 9 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh được phân bổ 35,5 tỷ đồng thực hiện dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Để khai thác tối đa hiệu quả nguồn vốn, các ngành, địa phương chủ động phân bổ, lồng ghép với các chương trình, chính sách hỗ trợ đặc thù; lựa chọn những mô hình sản xuất phù hợp với thực tế địa phương để nhân rộng.
Đức Vũ
Bình luận