Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 15:01
Thứ bảy, 28/12/2024 05:12
TMO - Công nghệ tưới hồi lưu NFT (Nutrient Film Technique) với hệ thống tự động hóa hoàn toàn đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân trong quá trình trồng rau không dùng đất. Đây cũng là mô hình được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng là mục tiêu chiến lược của ngành NN& PTNT tỉnh Sơn La. Việc thay đổi các tập quán canh tác cũ bằng phương thức sản xuất mới, ngoài việc đưa các giống mới vào sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp, HTX và nhà nông luôn quan tâm ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, gia tăng giá trị kinh tế.
Tại các huyện, thành phố, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đã chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay đang được nhân lên, tạo phong trào rộng khắp. Năm 2023, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của Sơn La đạt 8.832 tỷ đồng, đặc biệt, giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng từ 1,5-2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 5-10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn tương đương tăng 17,4% so với năm 2022. Toàn tỉnh Sơn La có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao UBND tỉnh Sơn La đã thỏa thuận ký kết với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Bộ NN-PTNT) triển khai thí điểm mô hình trồng rau quả không dùng đất tại Sơn La. Đây là mô hình thuộc dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” được triển khai thực tại Khu Nghiên cứu ứng dụng - Chuyển giao tiến bộ Khoa học công nghệ Mộc Châu thuộc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo Sơn La (Sở KH-CN tỉnh Sơn La).
Dự án được tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Theo đó trong năm 2024, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo Sơn La và Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai thử nghiệm 3 mô hình trồng cây không dùng đất (giá thể xơ dừa, hệ thống thủy canh, hệ thống tưới) trên diện tích hơn 1.600m² nhà màng hiện đại.
Mô hình thí điểm nằm ở tiểu khu Chiềng Đi (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu). Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo Sơn La cho biết, định hướng phát triển của Trung tâm là tập trung tìm ra các sản phẩm chủ lực để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, rau thủy canh được xác định là hướng đi chiến lược. Với vai trò là cơ sở nghiên cứu và ứng dụng KH-CN, Trung tâm cam kết góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của Sơn La thông qua việc nghiên cứu, thử nghiệm các giống cây trồng và công nghệ mới. Đơn vị phấn đấu trở thành nơi để bà con nông dân đến tham quan, học tập. Chỉ khi bà con chứng kiến hiệu quả thực tế từ các mô hình, họ mới có động lực áp dụng công nghệ vào nhà lưới của mình.
Công nghệ tưới hồi lưu NFT với hệ thống tự động hóa hoàn toàn giúp rau thuỷ canh phát triển khoẻ mạnh, an toàn. (Ảnh minh hoạ).
Điểm nổi bật của các mô hình này là sử dụng công nghệ tưới hồi lưu NFT (Nutrient Film Technique) với hệ thống tự động hóa hoàn toàn. Dinh dưỡng được hòa tan trong các bồn chứa, sau đó được bơm tưới đến cây trồng. Sau khi dung dịch dinh dưỡng hoàn thành chu trình, phần nước dư thừa được thu hồi về bồn chứa và xử lý bằng đèn chiếu tia cực tím (UV). Công nghệ UV giúp loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, nấm và virus gây bệnh bằng cách phá hủy cấu trúc DNA của chúng. Mô hình NFT được thiết kế đặc biệt để trồng các loại rau ăn lá như xà lách và rau cải, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Rau được trồng trong hệ thống này hoàn toàn không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cung cấp từ nguồn nước sạch địa phương và được bổ sung thường xuyên. Nhờ vậy, khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm không chỉ tươi ngon mà còn đảm bảo an toàn. Theo chia sẻ của Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo Sơn La các mô hình thí nghiệm trồng cây thủy canh tại Trung tâm đã cho thấy hiệu quả rất tốt.
Đây là cơ sở để Trung tâm quyết tâm phát triển hướng đi đầy tiềm năng này. Đặc biệt, với lợi thế khí hậu mát mẻ của Sơn La, việc áp dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại đây càng phù hợp. Bởi so với nhiều khu vực khác, Sơn La không cần tiêu tốn nhiều chi phí làm mát khu vực trồng. Từ những thành công ban đầu, Trung tâm đặt mục tiêu nhân rộng các mô hình sản xuất rau công nghệ cao không chỉ trong tỉnh Sơn La mà còn ở các khu vực khác, góp phần lan tỏa giá trị của nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, thông tin, mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX; phổ biến các sáng kiến, cách làm hay, các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiêu biểu.
Đồng thời, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp. Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là “đòn bẩy” để Sơn La thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Thanh Hoa
Bình luận