Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ năm, 22/08/2024 14:08
TMO - Những năm qua, tỉnh Hòa Bình tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân.
Giai đoạn 2021 – 2024, tổng nguồn vốn bố trí cho Chương mục mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là trên 2.077 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là trên 732 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là trên 7,7 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 1.330 tỷ đồng, các nguồn vốn huy động khác khoảng 1,9 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn thực hiện Chương trình năm 2021 là: 348.000 triệu đồng; kế hoạch vốn thực hiện Chương trình năm 2022 là: 719.041 triệu đồng; kế hoạch vốn thực hiện Chương trình năm 2023 là: 647.421 triệu đồng; Kế hoạch vốn thực hiện Chương trình bố trí đến tháng 5 năm 2024 là trên 363 tỷ đồng.
Việc thực hiện phân bổ vốn đảm bảo các nguyên tắc, quy định của Trung ương và của địa phương tại Nghị quyết số 114/2022/NQ-HĐND ngày 04/5//2022 của HĐND tỉnh, về ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án khác; triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng và huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trên địa bàn.
Theo mục tiêu của Chương trình, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 bình quân mỗi năm từ 2,5-3%. Đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Phấn đấu 01 huyện nghèo (huyện Đà Bắc) thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 3158/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021) thì tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 26,14% trong đó: Hộ nghèo: 34.029 hộ, chiếm tỷ lệ 15,49% so số hộ toàn tỉnh
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 được phê duyệt tại Quyết định số 2977/QĐ-UBND ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh thì tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 18,12% trong đó: Số hộ nghèo giảm còn 20.306 hộ, chiếm tỷ lệ 9,2 %; Hộ cận nghèo: 19.692 hộ chiếm tỷ lệ 8,92% so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Kế hoạch năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm là 2,3-2,5%. Như vậy bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,86% đạt kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 20,08% (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021) xuống còn 11,99% cuối năm 2023. Kế hoạch năm 2024 giảm từ 2,5-3%, như vậy bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân giảm trên 5% đạt và vượt kế hoạch đề ra. 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024 tại huyện Mai Châu đã giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo hàng năm. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 là 19.259,4579 triệu đồng. Trong đó, thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với kinh phí 9.660,575 triệu đồng; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Đến nay, 100% người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện được cấp thẻ BHYT; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo và hỗ trợ chi phí học tập; thực hiện đồng bộ các chính sách khác về giáo dục và đào tạo theo quy định để giảm nhanh chiều thiếu hụt về giáo dục; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đã giảm trên 3,4%/năm, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra theo giai đoạn; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm 1 - 1,5% trên năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện Mai Châu đã gia hạn và cấp mới thẻ BHYT cho 1.810 người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện quý 1/2024 cho 2.353 hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện, với tổng số tiền 412.951.500 đồng; Chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo đã hỗ trợ trên 100 triệu đồng cho hộ nghèo sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; hộ cận nghèo: 70.839 triệu đồng; hộ mới thoát nghèo: 17.446 triệu đồng. Hỗ trợ làm nhà ở cho 7.401 hộ nghèo; 159 triệu đồng chi phí học tập cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 67 triệu đồng,…
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Lạc có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong đó, việc tạo mô hình, trao sinh kế giúp các hộ phát triển chăn nuôi, sản xuất được các cấp, ngành quan tâm triển khai và đạt hiệu quả thiết thực.
Toàn huyện Tân Lạc có trên 90 nghìn người với nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 85%. Huyện có 16 đơn vị hành chính (15 xã, 1 thị trấn), trong đó có 146/159 xóm, khu thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 5 xã và 24 xóm đặc biệt khó khăn. UBND huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo công khai, minh bạch, dân chủ và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Việc triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đạt những kết quả tích cực, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2019, tổng đầu tư toàn xã hội của huyện mới đạt trên 1.328 tỷ đồng, đến năm 2023 tăng lên trên 2.815 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 39,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,4%.
Việc đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang được triển khai hiệu quả tại các địa phương.
Thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, y tế, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng; tích cực huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, chính sách an sinh xã hội góp phần vào công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5 - 3%/năm.
Năm 2024, huyện được phân bổ kinh phí 4.290 triệu đồng thực hiện các dự án thành phần của chương trình vốn sự nghiệp. Trong đó, thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nguồn vốn giao 1.500 triệu đồng; Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp vốn giao 800 triệu đồng; Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững với nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách Trung ương 1.080 triệu đồng; Dự án 6 về truyền thông và giảm nghèo về thông tin được phân bổ 500 triệu đồng; Dự án 7 về nâng cao năng lực, giám sát chương trình được phân bổ 410 triệu đồng.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần cải thiện sinh kế, giúp các hộ dân tộc thiểu số nghèo vươn lên, 5 năm qua (2019-2024), huyện Cao Phong đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo. Trong đó, dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án Hỗ trợ phát triên sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Trong 5 năm, huyện đã phê duyệt 14 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại cộng đồng với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, 5 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản; 1 dự án chăn nuôi dê sinh sản; 6 dự án chăn nuôi lợn sinh sản; 2 dự án chăn nuôi gà, vịt thương phẩm; có 633 hộ dân được hưởng lợi gồm: 308 hộ nghèo, 282 hộ cận nghèo, 17 hộ mới thoát nghèo, 8 hộ có người khuyết tật và 18 hộ làm kinh tế giỏi.
Thông qua các mô hình, dự án từng bước cải thiện điều kiện sống, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Đã có 135 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2024 bình quân 1,48%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Cao Phong lần thứ III, năm 2019. Nhờ tận dụng tối đa nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nâng cao tính chủ động trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình, đến nay, diện mạo thôn, bản vùng dân tộc thiểu số có nhiều đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao.../.
Lê Thủy
Bình luận