Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ bảy, 05/10/2024 11:10
TMO - Tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế địa hình đồi núi, nhiều hộ dân ở xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã xác định phát triển kinh tế đồi rừng là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống.
Nho Quan là huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh, có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là trên 18.000 ha, có đủ 3 loại rừng: đặc dụng, phòng hộ, sản xuất và có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đồi rừng. Những năm qua, đã có một số mô hình mang lại hiệu quả cao. Từ đó, tạo động lực giúp nhân dân mở rộng sản xuất, phát triển rừng theo hướng bền vững.
Là xã vùng cao của huyện Nho Quan, hiện Thạch Bình có trên 1.000 ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất là khoảng 800 ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng khoanh nuôi núi đá. Người dân Thạch Bình từ khi biết dựa vào rừng để sống, nay lại làm cho rừng sinh sôi. Được giao đất, giao rừng, các hộ đã tập trung khoanh nuôi, bảo vệ và trồng cây lấy gỗ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Nhiều cánh rừng sau khi chuyển đổi được chăm sóc, bảo vệ nên đã phát triển tốt. Ngoài trồng cây keo tai tượng, người dân có rừng còn kết hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi nhiều loại con nuôi để lấy ngắn nuôi dài, tận thu được các nguồn lợi từ rừng đem lại như: nuôi ong, nuôi bò, nuôi gà…
Ông Trần Văn Lợi, thôn Bãi Lóng, xã Thạch Bình đẩy mạnh trồng keo.
Câu chuyện giúp thoát nghèo và làm giàu từ kinh tế đồi rừng của gia đình ông Trần Văn Lợi, thôn Bãi Lóng, xã Thạch Bình là một ví dụ điển hình. Gia đình ông Lợi hiện có khoảng 7ha rừng keo. Ông Lợi cho biết, việc trồng keo khá đơn giản mỗi năm chỉ cần bón phân cho cây 1-2 lần, đồng thời định kỳ cắt tỉa cây dầy. Keo sau khi trồng thì cẩn 6-7 năm là có thể thu hoạch được.
Với 7ha keo mang lại lợi nhuận khoảng hơn 800 triệu đồng cho gia đình ông Lợi. Gia đình ông Lợi còn tận dụng nguồn lợi từ rừng keo để nuôi thêm ong, hiện gia đình ông đang có hơn 30 đàn ong. Vào mỗi vụ lợi nhuận từ việc bán mật ong giúp gia đình ông thu nhập thêm khoảng 20 triệu đồng.
Ngoài trồng keo, gia đình ông Lợi tận thu được các nguồn lợi từ rừng đem lại như nuôi ong.
Có thể thấy, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đang là một hướng đi tích cực mang lại lợi ích nhiều mặt cho người dân, việc giao rừng sản xuất đã đáp ứng được nguyện vọng của người nhận rừng. Rừng sản xuất không những phát huy được vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi sinh, môi trường mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Minh Anh
Bình luận