Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/07/2025 07:07
Thứ hai, 14/07/2025 12:07
TMO - Những năm gần đây, ngư dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh áp dụng trang thiết bị hiện đại trong khai thác, đánh bắt hải sản, hướng đến phát triển kinh tế bền vững.
Tỉnh Lâm Đồng nằm trong tam giác ngư trường trọng điểm của Việt Nam với hơn 8.300 tàu cá và gần 47.000 lao động trực tiếp khai thác. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, các tàu cá của ngư dân địa phương đang sử dụng đèn LED trong khai thác thủy sản, đặc biệt là trên các tàu đánh bắt xa bờ, để thay thế cho các loại đèn truyền thống như đèn sợi đốt, đèn cao áp.
Ngư dân Trần Nam (phường Mũi Né) chia sẻ: “Trước đây, tàu cá của tôi sử dụng 11 bóng đèn cao áp để hành nghề câu mực, mành chụp trong đêm thì phải tiêu tốn 30 lít dầu diesel. Tuy nhiên, từ khi chuyển qua sử dụng bóng đèn LED, lượng dầu tiêu thụ chỉ còn 20 lít. Việc chuyển đổi sang đèn LED mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả khai thác và góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải ra môi trường biển".
Khoa học công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Với hơn 20 chục năm kinh nghiệm trong nghề biển, nên ông Nguyễn Hai (phường La Gi) hiểu rõ phải thay đổi cách đánh bắt truyền thống, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, vừa tiết kiệm nhân lực và vật lực, từ đó các chuyến biển dài ngày mới mong thu về đầy ắp cá tôm. Theo ông Hai: Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào khai thác hải sản không chỉ giúp ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trong từng chuyến biển, mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa nghề cá, phát triển nghề cá theo hướng bền vững...
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng triển khai hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) cho gần 2.000 tàu công suất lớn. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ cho ngư dân 175.000 đồng/tháng/tàu cá trong 36 tháng để giảm chi phí, đảm bảo ngư dân tuân thủ giám sát, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Về phương tiện, ngư dân đã mạnh dạn trang bị những tàu vỏ gỗ, vỏ composite mới có trang bị sonar, radar, máy dò ngang, hệ thống thủy lực hiện đại, hỗ trợ định vị và đánh bắt xa bờ hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt trên 116.000 tấn.
Ngoài ra, sự phát triển của nhóm tàu công suất lớn cho thấy sự chuyển dịch đúng hướng về cơ cấu lực lượng khai thác hải sản của tỉnh những năm qua. Số tàu cá công suất lớn được đầu tư trang bị khá hiện đại như: máy lọc nước biển, máy dò ngang, hệ thống tời thủy lực, ngư cụ… cùng với phương pháp đánh bắt ngày càng được cải tiến phù hợp với ngư trường, đối tượng, mùa vụ. Bên cạnh đó, nhiều tàu cá đã cải tiến hệ thống khoang, hầm đông, công cụ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tập trung nâng cao giá trị ngành thủy sản thông qua việc tăng cường chế biến, phát triển thị trường và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng và khai thác thủy sản. Mục tiêu là nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.../.
Hà Thu
Bình luận