Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 03:12
Thứ hai, 04/11/2024 12:11
TMO - Sản xuất xi măng là một trong những ngành có nguồn phát thải CO2 rất lớn. Hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, tới đây, sẽ có 80 cơ sở sản xuất xi măng trên cả nước phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính.
Với một ngành có tổng công suất thiết kế lên tới 122 triệu tấn xi măng/năm, sản xuất xi măng là một trong những ngành có tỷ lệ phát thải lớn, chiếm gần 75% lượng phát thải của lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng được xem là mục tiêu chính trong nỗ lực giảm phát thải.
Quá trình sản xuất xi măng là một trong những hoạt động có nguồn phát thải CO2 lớn nhất, vì vậy việc tìm kiếm giải pháp giảm phát thải rất quan trọng để có thể giảm đáng kể tác động đến môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Do đó, tới đây, 80 cơ sở sản xuất xi măng sẽ phải kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo 2 năm một lần theo Nghị định số 06/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật), kể từ ngày 1/10 có 80 cơ sở sản xuất xi măng sẽ phải kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo 2 năm một lần theo Nghị định số 06/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone.
Lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp xi măng đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Để đáp ứng các mục tiêu yêu cầu, doanh nghiệp sản xuất xi măng cần tuân thủ quy định mới từ quốc gia và quốc tế, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu thay thế, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, cũng như cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã chuẩn bị 2 dự thảo quan trọng gồm kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng đến năm 2030, trong đó có lĩnh vực sản xuất xi măng; Thông tư hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành xây dựng. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành để sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, nhằm hoàn thiện quy định về thẩm định khí nhà kính, tổ chức thị trường carbon và quản lý tín chỉ carbon.
Việc kiểm kê khí nhà kính có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà các nước phát triển trên thế giới yêu cầu ngày càng cao về nguồn gốc sản phẩm và sản phẩm “xanh.” Lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ, định hướng phát triển ngành xi măng Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và gắn sản xuất với tái chế, tái sử dụng chất thải, đồng thời xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Hiện nay, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam có 92 dây chuyền sản xuất clinker, với tổng công suất đạt 122,34 triệu tấn xi măng mỗi năm.
Về tiêu hao nguyên liệu, trung bình mỗi tấn clinker tiêu tốn 1,55 tấn nguyên liệu (đá vôi, đất sét, phụ gia), trong khi nhiệt năng tiêu hao trung bình là 800 kcal/kg clinker và điện năng là 95 kWh/tấn xi măng. Xi măng cũng là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn, chiếm gần 75% tổng phát thải của ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
Kiểm kê khí nhà kính đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng là nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Mục tiêu phát triển ngành xi măng giai đoạn 2021-2030 bao gồm việc chỉ đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất clinker có công suất trên 5.000 tấn/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống tận dụng nhiệt khí thải.
Đến năm 2025, các dây chuyền clinker có công suất dưới 2.500 tấn/ngày sẽ phải đổi mới công nghệ; đầu tư trạm nghiền công suất phù hợp với vùng nguyên liệu; tăng tỷ lệ pha phụ gia. Đến hết năm 2025, 100% dây chuyền clinker lớn hơn 2.500 tấn/ngày phải có hệ thống tận dụng nhiệt khí thải. Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện với mục tiêu tiết kiệm được khoảng 20% - 30% tổng lượng điện tiêu thụ, giảm lượng phát thải bụi và khí CO2.
Từ 2031 - 2050, sẽ tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, sử dụng chất thải và rác thải làm nguyên liệu. Việc đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng sẽ được đẩy mạnh nhằm giảm lượng chất thải phải chôn lấp và cải thiện hiệu quả kinh tế. Đồng thời, các dây chuyền sản xuất hiện có sẽ được cải tiến để xử lý hầu hết các loại chất thải mà không phát sinh ô nhiễm, từ đó góp phần giảm phát thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, ngành xi măng cũng phải đối mặt với các quy định quốc tế, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, dự kiến sẽ áp dụng từ 2026, với mục tiêu hạn chế lượng khí thải carbon từ các sản phẩm nhập khẩu đã và đang tạo ra những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất khẩu trên toàn cầu, trong đó có quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cơ chế này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và môi trường.
Trong tổng công suất thiết kế lên tới hơn 122 triệu tấn xi măng/năm của cả nước, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) chiếm khoảng 30-32%. Thông tin từ Lãnh đạo VICEM, VICEM đã triển khai nhiều giải pháp để giảm lượng phát thải, cũng như tận dụng lượng điện dư để phát điện và thu hồi CO2. Việc giảm tỷ lệ clinker trong xi măng là một giải pháp quan trọng để giảm cường độ phát thải. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chất lượng sản phẩm và đầu tư cơ sở hạ tầng cho nguyên liệu thay thế.
Vì mục tiêu bảo vệ môi trường xanh, an toàn, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cần có lộ trình và có kế hoạch hành động thiết thực tiến vào thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Bởi đây là nhóm ngành sẽ tham gia vào quá trình kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam một cách mạnh mẽ trong thời gian tới.
Minh Huế
Bình luận