Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Chủ nhật, 09/07/2023 06:07
TMO - Để giảm thải trong phát triển nông nghiệp, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận đánh giá giải pháp thu gom và xử lý chất thải phải được đặt lên hàng đầu, trong đó cần tăng cường thu gom, phân loại, tái sử dụng và thay thế vật liệu nhựa để ngăn chặn việc phát thải nhựa từ các nguồn thải trong ngành nông nghiệp ra môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2022-2025, ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa; lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa.
Riêng lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa…Đồng thời, có 50% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa.
Trong giai đoạn 2026 đến năm 2030, mục tiêu hướng tới việc ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa; lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa.
Riêng lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 30% chất thải nhựa... Đối với lĩnh vực lâm nghiệp giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được 100% và tái sử dụng được 25% chất thải nhựa; trong lĩnh vực thủy sản: theo điểm b, mục 2 Kế hoạch số 1737/KH-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2020-2030.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của sản xuất đến chất lượng môi trường.
Để thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ đánh giá tình hình phát sinh, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa từ các hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, áp dụng các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa thông qua các biện pháp như giảm sử dụng vật liệu nhựa; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp. Cùng với đó, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Với bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bằng nhựa sẽ thực hiện thu gom và xử lý theo quy định hiện hành.
Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận đã hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2050, tỉnh phấn đấu có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Cùng với việc nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận hướng đến phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của sản xuất đến chất lượng môi trường. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Bình Thuận ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển đối với cây trồng chủ lực, quan trọng của tỉnh. tập trung nâng cao chất lượng, hình thành các vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao, vùng thanh long hữu cơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Đối với cây lúa, tỉnh kêu gọi doanh nghiệp có năng lực mạnh liên kết phát triển vùng sản xuất lúa giống tập trung, hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi... Xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh ở vùng sản xuất trọng điểm lúa.
Trong chăn nuôi, tỉnh Bình Thuận định hướng phát triển chăn nuôi với các giống cao sản theo hướng chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và gắn với giết mổ. Đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Địa phương này đẩy mạnh trồng và phục hồi rừng tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở; tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện trồng và phục hồi rừng cụ thể, với lộ trình phù hợp khả năng cân đối ngân sách.
Các bộ, ngành, địa phương và nhân dân thực hiện các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm chất thải nhựa (Ảnh minh họa).
Sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay đang từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc hạn chế nguồn chất thải nhựa từ hoạt động sản xuất này vẫn còn nhiều bất cập. Qua thống kê của cơ quan chức năng, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni-lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật). Trong chăn nuôi là 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.
Nhằm hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ban hành kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp. Theo đó, mục tiêu đề ra giai đoạn 2022 đến năm 2025 trong trồng trọt giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa.
Ở lĩnh vực bảo vệ thực vật giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Trong chăn nuôi giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa…
Phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp được cập nhật đầy đủ các quy định, chính sách liên quan đến quản lý vật liệu và chất thải nhựa; 50% cán bộ quản lý ngành nông nghiệp được tập huấn về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; 50% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa.
Để đạt mục tiêu nêu trên, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần ứng dụng vật liệu phân hủy sinh học thay thế dần vật liệu nhựa trong sản xuất; thực hiện các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm chất thải nhựa, tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp; đồng thời thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… thực hiện thu gom và xử lý; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nhựa trong sản xuất nông nghiệp; lồng ghép các nội dung truyền thông về quản lý, phòng ngừa, giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa vào các chương trình khuyến nông, lâm, ngư; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông khó phân hủy đến hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái biển, đại dương, môi trường và sức khỏe con người…
Mai Hương
Bình luận