Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 17:11
Thứ năm, 07/12/2023 15:12
TMO - Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 2.000 ha cây trồng các loại được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngành Nông nghiệp tỉnh hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, chỉ đạo lồng ghép chương trình, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đạt chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...Đến nay, diện tích các loại cây trồng được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực ở tỉnh Hà Tĩnh gồm: 762,27 ha cam; 349,57 ha bưởi; 275 ha vườn cây ăn quả hỗn hợp; 55,41 ha rau; 453,92 ha lúa; 49,6 ha chè. Toàn bộ diện tích cây trồng các loại được cấp giấy chứng nhận VietGAP thuộc 287 cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Các vùng trồng chè tại huyện Hương Sơn đang được đẩy mạnh theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ...
Ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn là một trong những giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Đây cũng chính là lộ trình căn bản để nông nghiệp Hà Tĩnh từng bước thực hiện tốt việc gắn quản lý chất lượng với truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xa hơn là tiến tới xây dựng nền sản xuất an toàn, minh bạch, bền vững - sản xuất hữu cơ
Bên cạnh đó, với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay toàn tỉnh đã hình thành 40 mô hình sản xuất lúa, rau, củ, quả áp dụng quy trình hữu cơ, theo hướng hữu cơ. Các mô hình chủ yếu là trồng cây ăn quả (cam, bưởi), sản xuất lúa rươi, gieo trồng rau quả trong nhà màng, nhà lưới…
Qua đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, các loại cây trồng được cấp giấy chứng nhận VietGAP và các mô hình sản xuất áp dụng quy trình hữu cơ, theo hướng hữu cơ đều tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Việc đầu tư xây dựng các mô hình đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm nay đặc sản bưởi Phúc Trạch ở huyện Hương Khê được mùa, giá bán cao hơn so với những năm trước.
Phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong thúc đẩy phát triển “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, tạo bước phát triển đột phá, bền vững.
Nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã chủ động lồng ghép các chính sách, chương trình để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chủ trì, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2030. Đề án nêu rõ tính cần thiết, các căn cứ, chủ trương để xây dựng đề án; khái quát về tình hình, đặc điểm và thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Đề án cũng xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện và hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp. Nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ của tỉnh. Phát triển sản xuất và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho các loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Phan Ấn
Bình luận