Hotline: 0941068156
Thứ năm, 14/11/2024 16:11
Thứ hai, 11/11/2024 06:11
TMO - Với mục tiêu cải thiện chất lượng không khí, TP. Hà Nội dự kiến sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại khu vực Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm). Đây cũng là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm khu vực phát thải thấp (LEZ).
Theo đó, Hồ Gươm, vùng phụ cận và khu phố cổ ở quận Hoàn Kiếm được đề xuất thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí. Đây là nội dung mới được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội. Vùng phát thải thấp là một khu vực có hạn chế hay kiểm soát phương tiện lưu thông dựa trên khí thải với mục tiêu giảm chất gây ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí của đô thị nói chung.
Dự thảo nghị quyết mới đã đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện vùng phát thải thấp. Theo đó giai đoạn 2025-2030, TP.Hà Nội sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận huyện. Đối với riêng quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng vùng phát thải thấp với tổng diện tích hơn 145 ha. Đại diện Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, dự thảo nêu các tiêu chí, điều kiện và lộ trình xây dựng vùng phát thải thấp để quận, huyện, thị xã căn cứ vào đó xây dựng tại địa bàn mình tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội.
Mục đích tổng thể của quy định này là để cải thiện chất lượng không khí, giảm ách tắc giao thông và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Về một số ý kiến băn khoăn việc hạn chế phương tiện giao thông như xe máy gây ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến mưu sinh của một bộ phận người dân, theo đại diện Phòng Quản lý môi trường, năm 2021, Sở TN&MT đã xây dựng chương trình kiểm soát khí thải xe máy.
Được biết đã có hơn 5.000 xe máy đã được đo kiểm và kết quả hơn 50% không đạt mức khí thải cho phép. Sở TN&MT Hà Nội đã phỏng vấn hơn 3.000 người dân sử dụng xe máy và có hơn 90% người sẵn sàng đồng ý trả 50.000 đồng/lần để kiểm tra kiểm soát khí thải xe máy.
Đại diện Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT Hà Nội thông tin thêm, với những xe máy nằm ngoài niên hạn của nhà sản xuất (khoảng 17-20 năm), các xe máy đã sử dụng hơn 20 năm thì mức độ an toàn không đảm bảo, nhiên liệu để sử dụng xe máy đó người dân cũng sẽ phải trả phí cao hơn và các xe này sẽ gây ô nhiễm cho môi trường.
Bên cạnh đó có thể nghiên cứu những chính sách hỗ trợ người dân nghèo, có thể thành phố hoặc nhà sản xuất trợ giá để người dân chuyển đổi xe máy. Hiện trong dự thảo nghị quyết chưa đi sâu vào việc yêu cầu thay đổi, chuyển đổi phương tiện như thế nào.
Tuy nhiên, về lâu dài cần tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện chuyển đổi phương tiện, bởi các phương tiện quá niên hạn gây ô nhiễm môi trường sống, không đảm bảo an toàn và sẽ có những chính sách trợ giá.
Do đó, nếu nghị quyết được HĐND thành phố thông qua vào kỳ họp cuối năm và có hiệu lực từ 1/1/2025 thì vẫn còn cả quãng đường, chưa thể áp dụng được ngay. Đây là xu thế để cải thiện chất lượng không khí. Quận, huyện sẽ quyết định việc áp dụng biện pháp trong vùng phát thải thấp phù hợp. Dù cấm hay hạn chế phương tiện thì người dân cũng yên tâm là sẽ phải phụ thuộc vào năng lực thực thi của chính quyền quận, huyện và người dân đối với việc này.
Trong thời gian thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp, TP.Hà Nội sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp, ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2.
TP. Hà Nội dự kiến sẽ thí điểm hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại khu vực Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) giai đoạn 2025-2030. (Ảnh minh hoạ).
Cùng với đó 100% xe buýt sẽ thay thế, đầu tư mới ở Hà Nội và sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45-50%. Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi các phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu thông trong vùng phát thải thấp; thành phố sẽ phát triển hạ tầng sạc điện trong khu vực phát thải thấp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ 2031-2035, Hà Nội khuyến khích các địa phương xác lập vùng phát thải thấp theo tiêu chí, điều kiện.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trong khu vực phát thải thấp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2036 trở đi, Hà Nội bắt buộc các vùng ô nhiễm môi trường không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện vùng phát thải thấp. Trong giai đoạn này, thành phố phấn đấu tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.
Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 12 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tính đến hết tháng 4 thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ôtô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm. Sở TN&MT Hà Nội đánh giá các phương tiện đã lưu hành nhiều năm mà không được kiểm soát về khí thải sẽ làm gia tăng mức phát thải thành phần gây ô nhiễm vào không khí.
Đặc biệt, vào những khung giờ cao điểm hay các khu vực có mật độ phương tiện lưu thông cao và thường ùn tắc. Theo các chuyên gia y tế, khí thải từ phương tiện sẽ gây ngột ngạt, khó chịu cho những người tham gia giao thông và tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan sức khoẻ, hô hấp của con người.
Bình An
Bình luận