Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 01/11/2024 08:11
Thứ bảy, 26/10/2024 12:10
TMO - Hà Nội đang hướng đến đô thị xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, Hà Nội cần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, đặc biệt là ùn tắc giao thông và giảm phát thải.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng phức tạp và dần trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là khí thải từ các phương tiện giao thông, chính quyền thành phố Hà Nội đang thúc đẩy các chính sách chuyển đổi sử dụng giao thông xanh với hỳ vọng giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Trang iqair.com ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí AQI ở TP. Hà Nội trong 1 tháng gần đây thường xuyên ở nhóm "không lành mạnh" (trên 170).
Các chuyên gia chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí tại Thủ đô chiếm 70% chủ yếu đến từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô, xe máy và các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để hoạt động.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT), tính đến đầu năm 2024, số lượng ô tô và xe máy trên toàn thành phố là hơn 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1,1 triệu phương tiện ô tô và gần 7 triệu phương tiện xe máy.
Số lượng ô tô, xe máy ở Hà Nội tính đến quý I năm 2024. (Ảnh: Ngọc Anh)
Trung bình mỗi năm số lượng phương tiện giao thông ở Hà Nội tăng thêm 390 nghìn phương tiện. Riêng quý I/2024, thành phố đã ghi nhận thêm 8.790 lượt đăng ký ô tô và xe máy mới.
Tuy nhiên, nhiều xe máy và ô tô cũ nát, sử dụng lâu năm chưa được kiểm định khí thải hoặc không đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn hoạt động phổ biến, xả thải khói bụi gây khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý và khiến cho chất lượng không khí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Sở GTVT Hà Nội đưa ra đề án với mục tiêu đến năm 2030, 50% số lượng xe buýt sẽ chuyển đổi sang sử dụng năng lượng điện hoặc khí tự nhiên (CNG/LNG). Các tuyến buýt nội đô ưu tiên sử dụng xe điện, đồng thời các tuyến mới cũng sẽ được trang bị hoàn toàn bằng phương tiện xanh. Trong giai đoạn 2024-2030, thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi từ 70-90% số lượng xe buýt chạy dầu diesel sang xe buýt điện. Giai đoạn 2031-2035, mục tiêu đưa ra là số lượng xe buýt điện trên toàn Hà Nội sẽ đạt mức 100% , nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách tối đa và hướng tới đô thị xanh.
Chương trình chuyển đổi phương tiện không chỉ nhằm giảm phát thải carbon, mà còn góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng các kế hoạch này vẫn còn mang tính lộ trình dài hạn, trong khi tình trạng ô nhiễm cần giải pháp khẩn cấp và mạnh mẽ hơn.
Trước áp lực phải thay đổi, chính quyền thành phố Hà Nội đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải và đầu tư vào các công nghệ xanh để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân.
Các tuyến xe buýt điện ở nội thành Hà Nội với tần suất 12-20 phút/chuyến. (Ảnh: VB).
Hiện nay, Hà Nội có 281 xe buýt sử dụng năng lượng xanh (bao gồm xe buýt điện và xe buýt CNG) đã góp phần giảm 36 nghìn tấn khí thải CO2. Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên toàn quốc xuất hiện dịch vụ vận chuyển hành khách bằng taxi và xe ôm công nghệ thuần điện. Trước khi ra mắt vào năm 2023, mô hình xanh này đã nhận được nhiều sự kỳ vọng và mong chờ từ phía người dân.
Không chỉ thế, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng cũng được triển khai với 79 trạm tại Hà Nội và thí điểm tuyến đường dành riêng cho xe đạp tại 5 quận trung tâm, tạo ra một môi trường giao thông văn minh, tiện lợi và hợp lý cho người dân.
Trạm cho thuê xe đạp công cộng. (Ảnh: TH).
Ngoài ra, phát triển hệ thống đường sắt đô thị cũng được xác định là một trong những chiến lược then chốt trong lộ trình hướng tới giao thông xanh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ùn tắc tại Thủ đô. Hà Nội hiện đang vận hành 2 tuyến đường sắt là Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội, là giải pháp quan trọng để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, qua đó hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân.
Trong bối cảnh này câu hỏi đặt ra là: Liệu việc cấm xe máy ở nội thành có phải là giải pháp toàn diện cho vấn đề ô nhiễm không khí? Và việc cấm xe máy có khả thi hay không khi đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, hạ tầng và văn hóa giao thông cũng như thói quen của người dân?
Bên cạnh xe gắn máy, các phương tiện khác như ô tô cá nhân, xe tải...cũng đóng góp đáng kể vào mức phát thải khí CO2 và bụi mịn PM2.5. Cùng với đó, số lượng ô tô gia tăng nhanh kèm theo mức phát thải cao hơn nhiều so với xe máy, những phương tiện này cũng góp phần không nhỏ gây áp lực lớn vào mật độ giao thông và gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Hà Nội ùn tắc vào giờ cao điểm do cả xe máy và ô tô. (Ảnh: NA).
Ngoài ra, dù mục tiêu cấm xe máy có thể mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và giao thông, nhưng việc hiện thực không đơn giản. Có thể nói, kinh tế - kế sinh nhai là một rào cản lớn do hiện nay xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là công cụ phát triển đời sống của nhiều tầng lớp trong xã hội. Hơn nữa, xe máy là một phương tiện linh hoạt và phù hợp với điều kiện hạ tầng có nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp ở Hà Nội, cũng như thói quen, tập quán sinh hoạt, hay văn hoá giao thông đã hình thành từ rất lâu của người dân.
Ngay cả khi hệ thống giao thông công cộng phát triển hơn, không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ xe máy, đặc biệt là khi các tuyến xe buýt và tàu điện chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về thời gian và sự tiện lợi.
Để tiến tới những mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, bao gồm cả cấm xe máy nội đô hay chuyển hoàn toàn sang xe buýt nhiên liệu sạch trong những năm tới, Hà Nội cần xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông công cộng, đảm bảo an toàn và thuận tiện. Quan trọng hơn, cần từng bước thay đổi thói quen của người dân thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ô nhiễm không khí từ hoạt động xây dựng và phương tiện giao thông gây khó khăn, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. (Ảnh: VH).
Các giải pháp này không chỉ tạo nền tảng cho việc thực hiện chính sách mà còn giúp người dân từng bước thích nghi, giảm thiểu sự bỡ ngỡ và khó khăn khi chính sách chính thức có hiệu lực. Giảm ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông là mục tiêu tất yếu trong quá trình phát triển bền vững của Hà Nội. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với quyết tâm của chính quyền cùng với sự hợp tác hiệu quả của các doanh nghiệp và sự ủng hộ cũng như nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu trở thành thành phố thông minh, đô thị xanh, thân thiện môi trường.
Ngọc Anh
Bình luận