Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ năm, 21/12/2023 08:12
TMO - Quyết tâm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa và túi nilon gây ra, trong những năm qua, Chính phủ đã có những hành động rất quyết liệt, nhất là cơ chế ưu đãi đối với việc thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Thông tin từ Cục An toàn Môi trường cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Công Thương đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua. Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nhưng năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 - 18%/năm. Trong năm 2022, sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, với 3.300 doanh nghiệp nhựa và 250.000 người lao động. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa ở Việt Nam liên tục tăng, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng ở mức 10,6% mỗi năm…Tuy nhiên, kéo theo đó là sự gia tăng, phát sinh của rác thải nhựa.
Theo báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn nhưng chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, trong đó một phần lớn đến từ sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Một trong những giải pháp để giảm ô nhiễm nhựa là hướng đến thói quen tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường.
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế các sản phẩm từ nhựa, nilon từ khi xuất hiện đã mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, do đặc tính khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, túi nilon sử dụng một lần đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chính sách nhằm hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như các chính sách ưu đãi sản xuất túi nilon thân thiện môi trường và các sản phẩm thay thế khác. Việt Nam đã ban hành chính sách và quy định pháp luật cấm và hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tiêu biểu là Luật Thuế Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Các chính sách ưu đãi với sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường như: ưu đãi về nguồn vốn, về công nghệ, về giao đất, thuê đất, về thuế Bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định điều khoản riêng về chất thải nhựa. Cụ thể, theo Điều 73, các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của luật.
Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam cũng đã xác định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế rác thải nhựa và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần… Mới đây, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 3257/2023/QĐ-BTNMT ngày 7/11/2023 về tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường.
Tuy vậy, để đạt được các mục tiêu đề ra tại đề án trên (như phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần), việc quan trọng nhất vẫn cần phải đi từ ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, doanh nghiệp.
Hiện nay tại thị trường Việt Nam có nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học.
Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường nhấn mạnh hiện nay tại thị trường Việt Nam có nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học, thường là túi dùng nguyên liệu có gốc từ thực vật. Các sản phẩm khay, hộp đựng thực phẩm thay thế như bát, đĩa, khay, cốc được làm từ xơ tre, bột sắn, hộp đựng làm từ bã mía... Các loại ống hút thay thế: làm từ gạo, sậy, tre. Các giải pháp khác như màng phủ nông nghiệp, màng phủ sáp ong, nhãn dán hoa quả, bao bì tan trong nước,… Nước ta có nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, cùng với đó Việt Nam đã xây dựng khung chính sách, định hướng phát triển quốc gia bền vững và được hiện thực hoá một cách rõ rệt. Điều này tạo ra thị trường năng động, nhiều tiềm năng để phát triển, chuyển đổi sang sản phẩm thân thiện môi trường.
Mặc dù Việt Nam đã có các chính sách, pháp luật liên quan về sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thay thế còn khó tiếp cận, thiếu rõ ràng. Còn nhiều vướng mắc, bất cập trong áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông cũng như phí đóng góp (EPR) của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần. Ngoài ra, chi phí sản xuất sản phẩm thay thế cao nên khó cạnh tranh và mức độ sẵn sàng tiếp nhận từ phía người tiêu dùng cũng chưa cao do trở ngại về giá thành, độ tiện dụng và kênh phân phối.
Để thúc đẩy các sản phẩm thay thế nhựa, Việt Nam nên hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần theo lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra. Tăng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, có hàm lượng tái chế tối thiểu bắt buộc đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như quy định về quy chuẩn nhận diện các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ngoài ra, cần có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế tới người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng mạng lưới, khởi nghiệp đổi mới; các hoạt động quảng bá, tiếp thị trong và ngoài nước.
Lê An
Bình luận