Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 13:11
Thứ hai, 18/11/2024 04:11
TMO - Đoàn kiểm tra, giám sát về hoạt động khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ ra hàng loạt các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản tại địa bàn, qua đó cần phải sớm chấn chỉnh, khắc phục các điểm bất cập đang diễn ra.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Tĩnh, hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 70 mỏ vật liệu xây dựng được UBND tỉnh này cấp phép đang còn hiệu lực. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở TNMT Hà Tĩnh đã tham mưu xử phạt hành chính đối với 3 doanh nghiệp khai thác mỏ vi phạm vượt công suất. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ban hành 2 quyết định xử phạt với tổng số tiền 680 triệu đồng.
Trong đó, xử phạt hành chính đối với Công ty CP Vận tải và Xây dựng 2/9 số tiền 300 triệu đồng do vi phạm khai thác vượt công suất ở mỏ đất thuộc xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà. Nghiêm trọng hơn, vào tháng 3/2024, lực lượng chức năng Hà Tĩnh kiểm tra đã xác định Công ty CP Thương mại tổng hợp xây dựng Hòa Bình (địa chỉ tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã thực hiện khai thác mỏ đất núi Động Ván ở phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh vượt ra ngoài ranh giới tổng diện tích khoảng 16.897m², khối lượng đất khai thác nguyên khai ngoài ranh giới là 163.942m³.
Với khối lượng đất khai thác ngoài ranh giới đó, cơ quan chức năng xác định gây thiệt hại về trị giá khoáng sản của nhà nước gần 6,3 tỉ đồng, có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự nên đã chuyển hồ sơ vi phạm cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra, xử lý. Giai đoạn năm 2022 và 2023, ngành chức năng Hà Tĩnh phát hiện 23 mỏ khai thác vi phạm vượt công suất cho phép. Trong đó, có 15 mỏ khai thác vượt công suất dưới 15%; 8 mỏ khai thác vượt công suất từ 15% trở lên
Việc phát hiện vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản vượt công suất ở Hà Tĩnh thời gian qua chủ yếu dựa trên cơ sở số liệu sản lượng khai thác theo kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường do Cục Thuế Hà Tĩnh cung cấp.
Ngoài ra, thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, sau khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, Sở TNMT đã có văn bản thông báo giấy phép hết hiệu lực, yêu cầu thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ… Từ năm 2020 đến nay có 62 mỏ khai thác khoáng sản đã hoàn thành công tác đóng cửa mỏ theo quy định.
(Ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: công tác đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường, nhất là cát xây dựng, chưa đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một số đơn vị chưa thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định và nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn, kéo dài…
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản một số nơi chưa được các cấp chính quyền huyện, xã triển khai thực hiện nghiêm túc; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp xã chưa thực sự quyết liệt…
Do vậy, đại diện Sở TNMT Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới, Sở này sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý, kịp thời xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Đôn đốc, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản lập hồ sơ nâng công suất khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; tham mưu UBND tỉnh xử lý các hồ sơ nâng công suất khai thác của các đơn vị khai thác khoáng sản theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở TNMT đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản để phù hợp với tình hình thực tế, đồng bộ và tránh chồng chéo; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Phúc Lâm
Bình luận