Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ tư, 29/11/2023 07:11
TMO - Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã gây áp lực đáng kể lên cả cơ sở hạ tầng và môi trường, đặc biệt là áp lực về nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng. Để ứng phó với những thách thức phát triển xanh, bền vững, phát thải các-bon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã khởi xướng nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh.
Chuyển đổi xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiệm vụ “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành TW khóa XIII về tiếp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và quan điểm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững.
Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 29 và các cam kết của Chính phủ tại COP 26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đồng thời phải chuyển đổi xanh, trong đó có ngành Xây dựng. Việc phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng chuyển đổi xanh.
Công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng 15 năm. Theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của dự án đầu tư xây dựng, công trình xanh (Green Building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Hiện có 4 hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh phổ biến ở Việt Nam gồm: Lotus của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam; Edge do Tổ chức Tài chính quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC-WB cấp; LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ và Greenmark của Singapore. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý III năm 2023, cả nước có 305 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2.
Phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng chuyển đổi xanh.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải các bon; trong đó lượng các bon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ các bon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình. Tại Việt Nam, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải các bon.
Lĩnh vực xây dựng công trình có liên quan chặt chẽ với nhiều khâu và nếu công trình được thiết kế, xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh thì sẽ thúc đẩy các chuỗi cung ứng vật liệu, thiết bị cũng như nguồn nhân lực tư vấn quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Cụ thể như: Trong giai đoạn quy hoạch, thiết kế dự án, việc áp dụng các tiêu chuẩn, giải pháp về xanh được đưa vào giai đoạn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những bước tiếp theo của dự án như: thi công xây dựng, vận hành. Cùng đó, khái toán kinh phí cho giải pháp xanh cũng đã được đặt ra từ ban đầu nên sẽ tránh gặp phải vấn đề lớn do tăng chi phí cho các giải pháp xanh của dự án.
Đối với giai đoạn lựa chọn vật liệu, trang thiết bị và tổ chức thi công xây dựng công trình, khi các loại vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phát thải thấp được lựa chọn, sử dụng trong quá trình thi công sẽ thúc đẩy sự phát triển sản xuất; tăng lượng cầu, tạo động lực để phát triển sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Các sản phẩm, trang thiết bị, vật liệu xây dựng đáp ứng các tiêu chí xanh khi được dán nhãn, chứng nhận xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp cũng sẽ thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào những thị trường đòi hỏi chứng nhận xuất xứ, trách nhiệm môi trường và mức độ phát thải của sản phẩm.
Ngoài ra, trong giai đoạn vận hành công trình xanh cũng đòi hỏi người quản lý, sử dụng có nhận thức, kỹ năng để sử dụng thiết bị, tiện ích của công trình; có ý thức hơn đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải, thay đổi hành vi để sống xanh hơn. Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp. Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hàng năm, nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hàng năm con số này còn khá khiêm tốn. Do đó, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.
Công trình xanh phải có sự đồng bộ từ giai đoạn quy hoạch, thiết kế dự án, chọn vật liệu, vận hành...
Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, đã có nhiều quyết sách, văn bản chỉ đạo liên quan đến việc hỗ trợ các dự án thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải. Tuy nhiên, với nhu cầu rất lớn như hiện nay, và những yêu cầu liên quan đến cam kết trung hòa carbon cần thiết phải xây dựng thêm các cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, tài chính xanh là một trong những giải pháp rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cũng như làm “bà đỡ” cho các dự án phát triển công trình xanh nói riêng, các dự án trong lĩnh vực xây dựng hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Qua đó, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan quan xây dựng dự thảo Quyết định của Chính phủ liên quan đến tiêu chí môi trường và xác nhận dự án đầu tư có thể tiếp cận tài chính xanh. Thị trường đang rất mong chờ quy định này sẽ sớm được thông qua để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức tài chính cũng như chủ đầu tư tham gia thúc đẩy các dự án xanh với các nguồn tín dụng ưu đãi. Từ đó, đẩy nhanh hơn để giá thành các công trình xanh phù hợp hơn với người thuê, người mua.
Trong bối cảnh hiện nay, tài chính xanh là một trong những giải pháp rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cho các các dự án trong lĩnh vực xây dựng hướng tới mục tiêu giảm phát thải nhanh hơn. Theo đó, cần có sự vào cuộc của các tổ chức tài chính để hình thành các quỹ, gói tín dụng xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp từ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thiết bị công nghệ, tiết kiệm năng lượng, môi trường, đến các chủ đầu tư dự án, công trình đạt tiêu chí công trình xanh, giảm phát thải… Việc tiếp cận nguồn tín dụng này sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí vận hành, tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn.
Tiến Dũng
Bình luận