Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ sáu, 19/01/2024 04:01
TMO - Việt Nam đã cam kết xây dựng hình ảnh nông nghiệp trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vừng cùng với cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong sản xuất lúa có 3 yếu tố chính làm phát thải khí nhà kính, bao gồm việc bón quá nhiều phân đạm, đốt rơm rạ hoặc vùi rơm rạ vào trong đất. Tuy nhiên, cả 3 yếu tố làm phát thải khí nhà kính hiện nay đã được khắc phục bằng các giải pháp kỹ thuật kéo theo giảm cả chi phí sản xuất, sâu bệnh.
Để ứng phó với biến đối khí hậu, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, một số biện pháp canh tác lúa đã được triển khai như: mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp.
Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 năm 2021 (COP26) về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; trong đó có nội dung liên quan chặt chẽ về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Để án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long" với mong muốn từng bước chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất canh tác lúa đồng bằng sông Cửu Long theo hướng sản xuất bền vững.
Nhiều địa phương vùng ĐBSCL triển khai mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta. Về canh tác bền vững: Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Đề án được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long với diện tích một triệu héc-ta.
Thời gian qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nỗ lực sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân quen dần và thực hiện tốt hơn quy trình canh tác lúa bền vững, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) về dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai trên cây lúa tại 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang với nhiều hợp phần khác nhau.
Dự án VnSAT đã tăng cường năng lực cho người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với quy trình kỹ thuật canh tác lúa bền vững theo quy trình 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật 1 phải 5 giảm. Theo đánh giá, đã có khoảng 180.000 ha lúa thực hiện quy trình canh tác bền vững trong dự án VnSAT, lợi nhuận tăng 30% so với canh tác truyền thống, lượng lúa giống giảm từ 30 - 40%, chi phí phân bón giảm khoảng 35%, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật giảm 48% và nước tưới sử dụng cho sản xuất lúa giảm, lợi ích rõ nhất là môi trường sinh thái đảm bảo, giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa đang được các địa phương quan tâm và nỗ lực thực hiện. Việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp nông học thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu đang là xu hướng và nhận được nhiều quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho ngành nộng nghiệp Việt Nam với nhiều giải pháp cụ thể như cải tiến giống, bảo tồn đa dạng nguồn gen lúa gạo, phát triển hệ thống canh tác bền vững và hướng tới nền nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu và giảm phát thái khí nhà kính.
Các địa phương vùng ĐBSCL đẩy mạnh canh tác lúa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm phát thải.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước với sản lượng lúa thu hoạch mỗi năm khoảng 24 triệu tấn. Trong những năm gần đây, canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi theo hướng bền vững hơn, giảm lượng vật tư đầu vào và giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", thiết bị bay không người lái, máy gặt đập liên hợp.
Tuy nhiên, hiện nay khâu xuống giống ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hơn 70% áp dụng sạ lan thủ công hoặc máy phun hạt. Thực hành sạ lan không đồng đều dẫn đến cần nhiều giống hơn (thường trên 120 kg/ha), sử dụng nhiều phân bón hơn, trong khi sức khỏe cây lúa giảm, dễ bị sâu bệnh hại nên áp dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn. Ngoài ra, lúa ở giai đoạn thu hoạch dễ bị đổ ngã, gây tổn thất cao trong thu hoạch và xử lý chế biến sau thu hoạch.
Từ thực trạng trên được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế hỗ trợ, Cục Trồng trọt xây dựng “Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long”. Quy trình gồm các hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ theo hàng hoặc theo cụm bằng máy ở đồng bằng sông Cửu Long; một số chú ý về làm đất, chuẩn bị giống, bón phân tương thích với cơ giới hoá sạ hàng và sạ cụm. Tùy theo biện pháp cơ giới hóa, áp dụng mật độ sạ không quá 80 kg/ha; đối với sạ hàng hoặc sạ cụm không quá 60 kg/ha.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là một trong những tác nhân gây phát thải khí nhà kính nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong các nguồn gây phát thải. Trong những năm gần đây, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã gây ra những tổn thương cho đất đai, cây trồng và con người, làm cho việc canh tác lúa gạo gặp nhiều khó khăn, suy giảm về năng suất và thu nhập của người trồng lúa.
Tổ chức Phát triển Hà Lan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang triển khai Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" (TRVC) từ năm 2023 đến năm 2027.
Dự án TRVC dự kiến sẽ hỗ trợ chuyển đổi trên 200.000ha sang sản xuất lúa phát thải thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời nâng cao sinh kế của các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở khu vực này, từ đó, góp phần thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với Tăng trưởng Xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Ngoài ra, dự án cũng cung cấp phần thưởng khuyến khích bằng tiền mặt cho những người tham gia và đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, với lượng phát thải được các cơ quan kiểm định độc lập kiểm định; cải thiện các phương pháp canh tác và chuỗi cung ứng. Dự án TRVC góp phần tạo động lực để thu hút các công ty trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia liên kết sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô lớn.
Kết quả của dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với Tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2027 và sẽ được tiếp tục mở rộng trong các năm sau. Dự án TRVC dự kiến sẽ triển khai đầu tiên từ vụ lúa Hè Thu năm 2024.
PV
Bình luận