Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ tư, 22/11/2023 14:11
TMO - Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực, đóng góp 70-74% tổng diện tích và sản lượng thủy sản của cả nước. Trước tác động của biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính từ ao nuôi thủy sản được các địa phương trong vùng đẩy mạnh triển khai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, ngành nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, cá tra không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính lớn. Trước thực tế trên, ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang nhận được nhiều nguồn lực cả về tài chính và kỹ thuật để chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Ngành hàng cá tra đã và đang là một trong những ngành hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực. Hiện nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên 140 thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 mang về hơn 2,4 tỷ USD. Diện tích nuôi cá tra lớn ở vùng ĐBSCL tập trung ở một số địa phương An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long với diện tích khoảng 6.000 ha. Tuy nhiên, cá tra được nuôi thâm canh trong ao đất, hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.
Ngoài ra, vùng nuôi không tập trung mà chủ yếu là trang trại của doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi lẻ… hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thiếu đồng bộ. Theo các nghiên cứu, để đạt sản lượng trung bình khoảng 200 -250 tấn cá tra/ha cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu 320 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường khoảng 256 tấn. Với sản lượng trên 1,5 triệu tấn là thách thức lớn đối với các vùng nuôi tập trung, bởi việc xử lý chất thải từ ao nuôi hiện nay chủ yếu là thay nước, chế phẩm sinh học, hút bùn... định kỳ thường xuyên, chỉ có một số vùng nuôi áp dụng công nghệ hiện đại.
Nuôi trồng cá tra cần được áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, bảo quản thủy sản, giảm phát thải và tận dụng tài nguyên. Ảnh: MT.
Hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm không chỉ chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn gây phát thải khí nhà kính lớn. Kết quả khảo sát thực tế tại 4 xã An Phúc, Long Điền, Long Điền Đông và Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu với mẫu 20 hộ nuôi tôm, gồm: 10 hộ nuôi quảng canh cải tiến và 10 hộ nuôi thâm canh cho thấy: Mô hình nuôi tôm thâm canh phát thải khí nhà kính gấp 15 lần so với nuôi tôm quảng canh. Trong đó, mật độ nuôi, nạo vét ao và vèo nuôi là những yếu tố chính quyết định đến lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm quảng canh. Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, có 2 nguồn phát thải chính, gồm: lượng điện tiêu thụ đóng góp 82% và thức ăn đóng góp 17% vào tổng lượng khí nhà kính phát thải.
Ngành nuôi trồng thủy sản chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nhưng cũng là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, do nó sản xuất ra một lượng lớn khí nhà kính. Trong quá trình nuôi tôm, các hộ nuôi tôm sử dụng các loại thức ăn công nghiệp có chứa hàm lượng protein cao để giúp tôm sinh trưởng. Từ cơ chế sử dụng thức ăn như vậy, tôm sẽ thải ra rất nhiều amonia vào trong nước. Ngoài ra, thức ăn dư thừa, phân tôm, xác tảo… sẽ làm tích tụ các hợp chất hữu cơ lơ lửng và hòa tan (chủ yếu dưới dạng amonia (NH4+/NH3) hoặc nitrite (NO2-). Đây cũng là một phần nguyên nhân gây sản sinh phân hủy ra các chất gây phát thải khí nhà kính.
Thời gian qua, chuỗi ngành hàng cá tra tại ĐBSCL đã giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, ngành hàng cá tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý môi trường, mỗi liên kết, tiêu thụ cần được cải thiện. Đặc biệt, cần tổ chức lại sản xuất, quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào và đầu ra để giảm phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường cũng như giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trưởng.
Để ngành cá tra phát triển bền vững cần chú trọng đến bảo vệ môi trường; nghiên cứu đưa ra các giải pháp xử lý chất thải phát sinh trong quá trình nuôi, chế biến cá tra; ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm giảm chi phí nuôi, giảm phát thải ra môi trường, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng cá tra. Ngành hàng cá tra cần phải có một chiến lược hoạch định bền vững, trong đó quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường đặc biệt là đưa ra những nghiên cứu, những giải pháp phù hợp, tính thực tiễn cao để giảm thiểu phát thải ra môi trường nhiều nhất.
Trong đó, cần phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm ngành hàng và áp dụng công nghệ sản xuất sạch góp phần bảo vệ môi trường; Xây dựng hệ thống thu gom và quy trình công nghệ xử lý nước thải ao nuôi cá tra theo hướng tái sử dụng phục vụ cho vùng nuôi để nâng tầm doanh nghiệp, góp phần đưa ngành thủy sản phát triển bền vững. Hiện đã có nhiều nghiên cứu nhằm khép kín chuỗi sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường như sử dụng nước thải nuôi cá tra cho canh tác lúa hay nuôi tảo sinh khối; sử dụng bùn thải làm phân bón cho cây trồng.
Qua đó, sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ ngành công nghiệp chế biến cá tra. Để thực hiện được mục tiêu cần hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết chuỗi ngành hàng để đưa công nghệ vào sản xuất trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Tận dụng sản phẩm, phụ phẩm trong chế biến cá tra đó là một trong những nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm của cá tra, giúp cho người nuôi và chế biến có thêm thu nhập, điều này cũng giúp giảm tiêu cực đến môi trường từ ngành công nghiệp chế biến cá tra. Sử dụng bột cá thay thế cá biển trong nuôi trồng sẽ góp phần giảm bớt áp lực về chi phí, thức ăn cho người nuôi trồng, tăng cường mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thực phẩm.
Mô hình nuôi tôm thâm canh phát thải khí nhà kính cao cần được triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm (Ảnh minh họa).
Hiện nay, chủ trương phát triển bền vững nghề tôm nước lợ góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang được quan tâm. Do đó, các yếu tố canh tác trong sản xuất nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và nhận thức về tác động nguồn phát thải cần được quan tâm để sản xuất nghề tôm bền vững hơn. Trong đó, việc hỗ trợ hướng dẫn đo lường các chỉ số gây phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm thông qua việc thực hiện mô hình trình diễn với các giải pháp cải tiến về kỹ thuật và quản lý trong hoạt động sản xuất nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long là quan trọng.
Cụ thể hỗ trợ ứng dụng các thiết bị, công nghệ để vận hành hệ thống ao nuôi giảm tiêu thụ năng lượng và chất thải, nước thải. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP, GlobalGAP, ASC,...) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Cùng với đó, cần duy trì ổn định và mở rộng các mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, ít phát thải như tôm - rừng, tôm - lúa ở những khu vực đủ điều kiện…
Ngoài ra, để giảm phát thải khí nhà kính, các giải pháp tập trung vào chuyển đổi sử dụng từ điện sang năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản (biogas, điện mặt trời); xử lý chất thải của tôm bằng ủ khí sinh học. Thay đổi mật độ thả tôm, cách thức cho ăn và tối ưu hóa lượng thức ăn cho tôm. Cải thiện hệ thống xử lý nước để tránh dịch bệnh cho tôm giúp giảm tỷ lệ tôm chết. Áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, trong đó tập trung vào giai đoạn vèo.
Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh cho các loài thủy sản. Nguyên nhân của ô nhiễm môi trường có thể do các hoạt động khai thác thiếu tính bền vững, sử dụng quá mức thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón và các chất hóa học khác trong nuôi trồng thủy sản; hoặc do các nguồn ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp, dân sinh và nông nghiệp khác. Để đạt được mục tiêu bền vững, các hoạt động nuôi trồng thủy sản cần được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ và tăng cường khả năng phục hồi của các nguồn tài nguyên thủy sản. Chưa kể, nuôi trồng thủy sản bền vững còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập về kinh tế, tăng cường đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Đức Tuấn
Bình luận