Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 02/09/2023 06:09
TMO - Đến năm 2025, Hưng Yên đặt mục tiêu 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động để tăng cường hoạt động quản lý chất lượng môi trường không khí.
Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm không khí từ các hoạt động kinh tế- xã hội, tỉnh Hưng Yên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phấn đấu đến năm 2025, công tác giám sát chất lượng môi trường không khí thông qua nhiệm vụ quan trắc môi trường và các trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh sẽ được cập nhật, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng môi trường không khí đến cộng đồng.
UBND tỉnh yêu cầu 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu online về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát. Hệ thống xử lý bụi, khí thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Địa phương này đồng thời chú trọng phát triển mạng lưới giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cả nhân; khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch thân thiện môi trường.
Hưng Yên hướng đến mục tiêu xây dựng các KCN xanh, phát triển bền vững, giảm phát thải.
Loại bỏ và nghiêm cấm 100% các phương tiện xe cơ giới không đủ điều kiện tham gia giao thông. 100% các phương tiện vận tải chở vật liệu xây dựng và hàng hóa phải có biện pháp che chắn đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường khi lưu thông. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, dự bảo chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các đô thị, khu vực tập trung nhiều nguồn thải. Kiểm soát hiệu quả các nguồn khi thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp.
Nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân về môi trường, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ: Về phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải nguồn điểm, tăng cường kiểm tra, giám sát online thông qua hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động liên tục tại các doanh nghiệp xả thải lớn. Tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch hàng năm lấy mẫu giám sát chất lượng môi trường đối với các cơ sở có lượng lưu xả thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu các cơ sở phát sinh khí, bụi thải phải thực hiện nghiêm việc đầu tư lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí bụi thải tự động, liên tục theo quy định.
Trong phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải từ nguồn di động, tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển mạng lưới, phương tiện giao thông công cộng, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường. Thực hiện có hiệu quả đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010. Thực hiện các chương trình, dự án về chuyển đổi nguồn nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí từ các phương tiện giao thông vận tải.
Địa phương này đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác hiện đại.
Với phát thải khí thải nguồn sẽ hạn chế và tiến tới cấm hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm khói, bụi. Thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích. Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác hiện đại, xóa bỏ các bãi chôn lấp, đốt rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, địa phương này chủ trương sử dụng tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; ứng dụng công nghệ xử lý khí thải tiên tiến; ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học trong sản xuất và tham gia giao thông.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế về tài chính đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí. Cùng đó, tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiếp nhận hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển công nghệ, sáng kiến mang lại hiệu quả trong việc giảm thải phát thải bui, khí thải.
UBND tỉnh Hưng Yên giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp) trước ngày 15/12 hằng năm.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nhức nhối đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nước ta hiện nằm trong top 10 quốc gia ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu Châu Á, trong đó đáng kể nhất với ô nhiễm bụi PM 10 và PM 2.5 (Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường, do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện).
Khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, trên cơ sở kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai nhiều biện pháp. Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật để các tỉnh, thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí. Cả nước có 9 địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc; ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia, có hiệu lực từ 1.9 tới. Quy chuẩn này đặt tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng không khí, đặc biệt tại một số thông số quan trọng như bụi. Ngày trước tại Việt Nam thực hiện quy chuẩn cũ với thông số trung bình ngày là 50 mg/m3, tại tiêu quy chuẩn mới giảm xuống 45 mg/m3. Bộ TN&MT mong muốn áp đặt đồng bộ quy chuẩn này để cải thiện không khí trên cả nước.
Quỳnh Nga
Bình luận