Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
Thứ sáu, 07/07/2023 19:07
TMO - Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã quan tâm, đầu tư mạnh vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau để thúc đẩy phong trào sản xuất nông sản hữu cơ phát triển rộng khắp. Đây chính là những yếu tố thuận lợi giúp xu hướng tiêu dùng xanh phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo một Nghiên cứu mới nhất, có tới 38% người tiêu dùng cho rằng việc doanh nghiệp mang đến các sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa, giảm tác động lên môi trường là rất quan trọng, trong khi chỉ có 3% không quan tâm đến vấn đề này. 46% số người tiêu dùng cũng đang tìm đến và lựa chọn các thương hiệu đi đầu trong việc tạo ra thay đổi bền vững. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ muốn nắm bắt được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng mới cần nhanh chóng hành động. Để đáp ứng quy định và mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể, đồng thời tiến hành đánh giá từ chuyên gia nội bộ hoặc bên thứ ba về kế hoạch hành động giảm phát thải và hiệu quả thực thi.
Các giải pháp ban đầu và đơn giản nhất là doanh nghiệp cần thay thế, giảm nhựa trong bao bì; tiếp đó, có thể tiến hành đầu tư sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư, phát triển công nghệ thu thập dữ liệu về mức độ phát thải và sử dụng tài nguyên trong toàn bộ dây chuyền từ cung ứng đến sản xuất; từ đó, ứng dụng tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),... để cải thiện chuỗi cung ứng, giảm lãng phí nguyên liệu và năng lượng.
Các sản phẩm làm từ chất liệu thân thiện với môi trường luôn nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc ứng dụng phương tiện vận tải chạy bằng năng lượng điện, hay triển khai công nghệ xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ blockchain cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiến gần hơn đến các mục tiêu phát triển bền vững. Về tương lai xa hơn, thay đổi mang tính cách mạng đối với toàn bộ hệ thống của doanh nghiệp sẽ là việc thay thế các thành phần hoặc nhà cung cấp không thân thiện với môi trường, đồng thời tập trung đầu tư cho nguyên liệu, phụ liệu bền vững mới.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp bán lẻ, cần chủ động cung cấp nhiều loại mặt hàng hữu cơ, các sản phẩm của địa phương; thí điểm trưng bày mô hình thủy canh và bán sản phẩm nông sản được trồng tại chỗ; có giải pháp giảm thực phẩm lãng phí cũng như sử dụng túi giấy, bao bì có thể tái chế thay vì các loại túi và bao bì nhựa tại cửa hàng. Về công nghệ, các doanh nghiệp bán lẻ có thể sử dụng xe điện để vận chuyển hàng hóa hay xây dựng ứng dụng cho phép người mua hàng theo dõi được tác động của giỏ hàng lên môi trường,…Đây là những giải pháp đã được nhiều hệ thống bán lẻ lớn trên thế giới đưa vào thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực cũng như được khách hàng đánh giá cao.
Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, các chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp căn cơ. Cụ thể, về mặt chính sách, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cần kiểm soát tốt chất lượng các sản phẩm nông sản sạch; điều tra, xác minh, xử lý vi phạm, đưa ra các biện pháp ngăn ngừa hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng; hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản nhằm nâng cao giá trị để thấy được sự khác biệt của nông sản sạch.
Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng về nông sản sạch; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đạt chuẩn và cần tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và cơ hội để hỗ trợ các đơn vị sản xuất điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như xu hướng, yêu cầu của người tiêu dùng; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về tổ chức sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường, giúp các đơn vị sản xuất nâng cao năng lực. Ngoài ra, cũng cần xây dựng một hệ thống logistics chuyên biệt cho nông sản để giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm chất lượng sản phẩm trong cả chuỗi cung ứng.
VŨ MINH
Bình luận