Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Thứ bảy, 14/10/2023 13:10
TMO - Thiếu sản phẩm du lịch mới, giá phòng cao...khiến khách quốc tế đến Đà Nẵng trong 9 tháng của năm 2023 còn kém xa so với trước dịch.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, 9 tháng của năm 2023 khách nội địa đến Đà Nẵng do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 4,2 triệu lượt, tăng 1,7 lần so cùng kỳ 2022 và bằng 142% so cùng kỳ 2019. Tổng thu du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng. Tuy nhiên, thách thức đặt ta với ngành du lịch thành phố hiện nay là lượng khách quốc tế giảm mạnh. 9 tháng qua, địa phương chỉ đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 67% so thời điểm trước dịch Covid-19; trong đó dẫn đầu là thị trường Hàn Quốc, với hơn 770.000 lượt; Thái Lan đứng thứ hai, với hơn 147 lượt.
Nguyên nhân khách quốc tế đến Đà Nẵng còn khiêm tốn chủ yếu là thị trường Trung Quốc (chiếm 20% tổng lượng khách quốc tế năm 2019), chưa phục hồi, trong khi thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Thêm vào đó, sau hơn hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu, ngày lưu trú và chọn điểm đến gần, dẫn đến việc khôi phục mở đường bay quốc tế và khai thác các thị trường quốc tế gặp khó khăn.
Ngoài ra, nhiều đơn vị lữ hành đối diện với thách thức khi khách quốc tế đi lẻ tăng cao, làm sụt giảm nguồn thu cho doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, đến hết quý 3/2023, có đến 80% khách quốc tế đi lẻ, trong khi khách đi theo đoàn chỉ chiếm 15-20% trong tổng khách lưu trú.
Một trong những thách thức mà ngành du lịch Đà Nẵng cần nhìn nhận là hiện nay, khách du lịch quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản đến Nha Trang nhiều hơn Đà Nẵng vì giá phòng ở tại Nha Trang thấp hơn Đà Nẵng. Tại Nha Trang giá phòng từ 700-800 nghìn tuy nhiên tại Đà Nẵng vẫn từ 3-4 triệu. Vì vậy, các tour du lịch, hãng lữ hành sẽ chọn địa điểm rẻ hơn thôi. Ngoài sự hấp dẫn về các điểm du lịch mới, thì giá cả cạnh tranh là yếu tố rất quan trọng.
Thành phố Đà Nẵng cần triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường khách quốc tế. Ảnh: MQ.
Sở Du lịch thành phố cho biết, mặc dù Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm, tạo động lực hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng đến nay các dự án du lịch động lực vẫn chưa được khởi công, dẫn đến chậm hình thành các sản phẩm du lịch mới. Các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí dưới nước bước đầu phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn, tiền thuê đất... ảnh hưởng đến việc đầu tư làm mới sản phẩm hiện có, cũng như đầu tư hình thành sản phẩm du lịch mới.
Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân thành phố, ngoài sự hấp dẫn về các điểm du lịch mới, thì giá cả cạnh tranh là yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế trở lại Đà Nẵng. Do đó, ngành du lịch Đà Nẵng cần nghiên cứu, có các kiến nghị đề xuất kỹ hơn để thành phố xem xét và sớm ban hành các nghị quyết, chính sách riêng đối với ngành du lịch.
Đà Nẵng có rất nhiều vấn đề thuộc ngành du lịch chưa có chính sách riêng, chưa được ưu tiên, như phát triển như kinh tế đêm, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nguồn nhân lực du lịch; cơ chế chính sách đặt hàng với các hiệp hội trong việc xúc tiến, thu hút khách đến Đà Nẵng. Thành phố còn chậm đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch, như chưa xong quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, phân khu Ven vịnh Đà Nẵng chưa được phê duyệt; thiết kế ý tưởng cảnh quan tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành, thiết kế đô thị khu vực ven biển chưa được thông qua.
Thêm vào đó, chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng; các điểm dừng chân phục vụ các tuyến du lịch đường thủy nội địa chưa hoạt động do vướng kết luận Thanh tra Chính phủ (các dự án tại Sơn Trà); chậm triển khai các Đề án tạo điểm dừng chân của các địa phương. Điều này làm hạn chế khả năng tạo ra sản phẩm du lịch mới.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh tới đây dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng du lịch, ngành phải tính toán, linh hoạt trong việc tìm kiếm và xúc tiến tại các thị trường mới, cũng như làm mới sản phẩm du lịch và đầu tư sản phẩm mới. Trong khi một số thị trường truyền thống sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển trong năm 2024-2025, nên ngành du lịch phải nghiên cứu thị trường và xúc tiến khai thác thị trường mới
Đặt mục tiêu năm 2024 khách quốc tế năm 2024 đạt 2,5 triệu lượt; 2025 đạt 2,8 triệu lượt. Mức này vẫn thấp hơn năm 2019, với 3,24 triệu lượt khách. Ngành du lịch Đà Nẵng cần có những giải pháp cụ thể hơn để có thể thực hiện các chỉ tiêu này như kỳ vọng. Sở Du lịch thành phố cho biết, ngành du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu xu hướng, thị hiếu khách du lịch tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng, dự báo tình hình thị trường; tổ chức hoạt động kích cầu du lịch phù hợp.
Khảo sát tìm kiếm những thị trường, phân khúc thị trường mới, tiềm năng; phát triển các thị trường nội địa có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á kết hợp thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Australia, Mỹ và Bắc Âu.
Hồng Hạnh
Bình luận