Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 10:11
Thứ ba, 17/01/2023 15:01
TMO – Ngành nông nghiệp đang nắm giữ nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn của đất nước, cần đẩy mạnh đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp, phát huy cao hơn nữa trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, trước người nông dân, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào thành tựu, kết quả chung.
Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất bình thường" của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch: Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36% là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD (Chính phủ giao 50 tỷ USD), thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 73,06% (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 78% (Chính phủ giao 77%); tỉ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%.
Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.
Ngành nông nghiệp đang nắm giữ nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn của đất nước, cần đẩy mạnh đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp, phát huy cao hơn nữa trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, trước người nông dân, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào thành tựu, kết quả chung.
Theo các chuyên gia, để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn...; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho hàng nông sản Việt Nam.
Năm 2023, dự báo tình hình với ngành nông nghiệp sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn năm 2022 và nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Tới dự và phát biểu trong buổi lễ tổng năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, bởi tình hình lúc nào cũng có khó khăn, không khó khăn này thì khó khăn khác, song "trong nguy có cơ", "Núi cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi".
Thủ tướng yêu cầu quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực.
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, điều hành: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch; phối hợp với ngành ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Thủ tướng lấy ví dụ như các mô hình đưa trái cây lên sườn dốc, trồng cà phê ở các vùng lâu nay không có truyền thống...
Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị ngành phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỉ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%.
Lý Lan
Bình luận