Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Chủ nhật, 09/01/2022 15:01
TMO- Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Quảng Nam nâng mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên để “giữ chân” lực lượng chuyên trách và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế rừng theo hướng linh hoạt hơn.
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 38 quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, đối với rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện (chủ rừng tự quản lý, bảo vệ theo hình thức hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng), những diện tích có đơn giá bảo vệ rừng thấp hơn 500 nghìn đồngha/năm sẽ đươc hỗ trợ để đạt mức.
Ngoài ra, chi 20% cho cộng đồng dân cư thôn tham gia tuyên truyền, giám sát vận động thành viên tham gia bảo vệ rừng. Chủ rừng cũng được hưởng mức chi bằng 7%/tổng mức chi trực tiếp tỉnh hỗ trợ cho bảo vệ rừng.
Tỉnh Quảng Nam xác định cần phải ổn định đời sống của lực lượng quản lý rừng để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ
Thực tế, thời gian qua, không ít nhân viên bảo vệ rừng đã bỏ việc tìm kiếm nghề nghiệp khác, nhiều khu vực giao khoán bảo vệ rừng chưa đáp ứng yêu cầu công việc (do đơn giá bảo vệ rừng thấp, một số nơi chưa thực sự lựa chọn người có đủ sức khỏe để bảo vệ, chưa có chế tài ràng buộc, xử lý trách nhiệm của các nhóm hộ, cộng đồng trong trường hợp để xảy ra phá rừng trong diện tích nhận khoán…).
Theo các huyện Hiệp Đức, Đông Giang, trồng rừng gỗ lớn là sự lựa chọn đúng đắn, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể và sự cam kết của người dân đối với các nguồn vốn hỗ trợ về trồng rừng gỗ lớn. Rào cản còn nằm ở chỗ hiện vẫn chưa có bảo hiểm rủi ro cho người dân khi tham gia thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa hoàn thiện nên quá trình tham gia chuỗi sản xuất từ khâu trồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ, liên kết giữa người dân với doanh nghiệp bị đứt gãy. Chưa kể người dân gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng.
Cho nên, trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, các huyện miền núi và trung du đề xuất, ngoài cây keo còn kết hợp phát triển thêm những cây có giá trị lấy gỗ khác để có hiệu quả về kinh tế lâu dài. Trong sản phẩm cây lâm nghiệp chủ lực, Quảng Nam xác định, ngoài cây giổi còn có lim, chò, ươi, keo lai.
Phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng góp phần củng cố đời sống của lực lượng bảo vệ rừng cũng như bà con tại vùng đệm.
Hiện nay, ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn, vườn quốc gia triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu, khai thác lâm sản ngoài gỗ, khai thác kinh tế trong rừng phòng hộ, kinh doanh du lịch sinh thái, xây dựng vườn ươm cây giống, tạo nguồn con giống… để cải thiện thêm thu nhập cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu để phục vụ công nghiệp chế biến, lấy gỗ làm nhà và các công trình văn hóa trên địa bàn miền núi; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn để phục vụ công nghiệp chế biến sâu; tham gia cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của quản trị rừng quốc tế.
Hoài Dương
Bình luận