Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 06:11
Chủ nhật, 08/10/2023 19:10
TMO – Dù đã có nhiều đột phá, tuy nhiên, việc phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Tháp vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; các tiềm năng, lợi thế và nhiều chỉ số đánh giá tích cực ở mức độ cao nhưng chưa chuyển thành nguồn lực, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tuy đã phục hồi nhưng tốc độ còn chậm.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, Đồng Tháp có vị trí chiến lược, vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm; là trung tâm giao lưu kinh tế, trung tâm du lịch sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; là "đất sen hồng" của miền Tây; nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh mang nét độc đáo và riêng biệt.
Nội dung kết luận nêu, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,62% (xếp thứ 5/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long); thu nhập bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng. Tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và đạt kết quả cao, xây dựng được các chuỗi ngành hàng hiệu quả (đứng thứ ba cả nước về sản phẩm OCOP với 357 sản phẩm); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 94,78% tổng số xã. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện (15 năm liên tiếp Tỉnh trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Trong 6 tháng đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn chung, sản xuất công nghiệp vẫn tăng 6,96%; sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 3,94%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 13,14%; du lịch thu hút được 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,99%, loại hình du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh. Đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được đặc thù của vùng sông nước.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong Kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; các tiềm năng, lợi thế và nhiều chỉ số đánh giá tích cực ở mức độ cao nhưng chưa chuyển thành nguồn lực; huy động vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu thực tế (huy động vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 mới bằng 20,67% GRDP). Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Tình trạng sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường, kênh rạch đặt ra nhiều thách thức.
Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ nguồn lực con người, truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương; xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng Tháp cần đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận để giải quyết bài toán thực tiễn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua các khó khăn, thách thức, phát triển Đồng Tháp cân bằng, toàn diện, bền vững. Thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột: Kinh tế nông nghiệp là động lực; công nghiệp chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo, công nghiệp bổ trợ là các mũi đột phá. Nghiên cứu lập Đề án tổng thể "xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của Đồng Tháp; tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu trở thành mô hình mẫu của cả nước.
Trước đó, ngày 13/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến công tác, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp. Trong chương trình làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã đi thị sát một số dự án hạ tầng trọng điểm và thăm Nhà máy chế biến gạo. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát. Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; phải dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, đó là mảnh đất, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hoá; cùng với đó là coi trọng nguồn lực bên ngoài, do đó phải tích cực hội nhập, phải tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua khảo sát, Thủ tướng đánh giá đơn vị đang tích cực chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hoá sản phẩm. Muốn vậy, đơn vị phải ổn định chất lượng, số lượng, giá cả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tích cực hợp tác bền vững với các đối tác, coi trọng văn hoá, đạo đức kinh doanh, phát huy truyền thống, đạo lý của con người Việt Nam.
Thủ tướng lưu ý cần chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu lâu dài; có thương hiệu rồi thì phải quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, dành quỹ đất hợp lý, hài hoà hiệu quả để phát triển thương hiệu, bảo đảm lợi ích cho cả người nông dân; công nghiệp hoá nông thôn. Về vấn đề này, địa phương phải cùng làm với doanh nghiệp. Coi trọng khoa học công nghệ, trong đó coi trọng giống chất lượng cao, ngắn ngày; áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp; coi trọng bao bì, mẫu mã hấp dẫn, truy xuất nguồn gốc, đẩy nhanh việc chuyển đổi số; quy trình sản xuất tiên tiến, xanh, giảm khí methane; ngân hàng phải vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp về vốn ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp: phải lo cho nông dân phân bón, cấp nguyên liệu cho nhà máy, đa dạng hoá thị trường.
MỸ LAN
Bình luận