Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 22/02/2024 06:02
TMO - Tỉnh Đồng Nai đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt, các biện pháp phòng, chống cháy rừng được triển khai thực hiện nhằm bảo vệ diện tích rừng sẵn có và hạn chế tối đa hậu quả do cháy rừng gây ra.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 181.376ha rừng, trong đó có 123.939ha rừng tự nhiên, 57.437ha rừng trồng, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 29,24%, là địa phương có diện tích rừng và tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất khu vực Đông Nam Bộ. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được đánh giá cơ bản an toàn. Toàn tỉnh trồng được trên 5,4 triệu cây/hơn 4,6 triệu cây (đạt 118% so kế hoạch); thu tiền dịch vụ môi trường rừng 49,35/ 42,42 tỷ đồng (đạt hơn 116% so với kế hoạch đề ra)…
Theo dự báo của cơ quan chức năng, năm 2024 sẽ có hiện tượng El Nino và mùa khô 2023 - 2024 có sự khác biệt so với mùa khô các năm trước là ít có những cơn mưa trái mùa. Hơn nữa, những năm trước, bắt đầu vào đầu mùa khô, từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 là những tháng thấp điểm của công tác PCCCR mùa khô. Nhưng năm nay có sự khác biệt là thời tiết vào giữa tháng 1/2024 đã nắng nóng gay gắt (dự báo cháy rừng luôn luôn ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm) nên công tác PCCCR mùa khô năm nay rất căng thẳng.
Đồng Nai là địa phương có diện tích rừng và tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất khu vực Đông Nam Bộ.
Đồng Nai có lâm phận nằm trong khu vực thời tiết khắc nghiệt mùa mưa ngắn, mùa khô nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho lượng nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng, nguồn nước suối cạn kiệt. Lượng nước hạn chế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Các dòng suối cạn mùa khô tạo thành những trảng cỏ, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Địa bàn quản lý rộng, ranh giới giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận trải dài, các hoạt động trong lâm phận rất khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), PCCCR.
Bên cạnh đó, do sản xuất nông nghiệp theo thời vụ, các hộ dân thường xen canh cây nông nghiệp ngắn ngày trong lô rừng hoặc phân bố xen kẽ diện tích sản xuất nông nghiệp với diện tích rừng trồng. Sau khi thu hoạch nông sản, người dân thường không kịp thu dọn vật thải ngay nên đã tạo ra nguồn vật liệu cháy rất nguy hiểm. Ngoài ra, trong giai đoạn mùa khô, nông dân thiếu việc làm nên thường vào rừng lấy củi, chăn thả gia súc, dùng lửa để đốt ong lấy mật…, rất dễ gây ra cháy rừng. Tuy nhiên, các đơn vị đã chủ động triển khai phương án PCCCR ngay từ đầu mùa khô nhằm chủ động kiểm soát chặt chẽ các tình huống xảy ra.
Các biện pháp phòng, chống cháy rừng được triển khai thực hiện nhằm bảo vệ diện tích rừng sẵn có và hạn chế tối đa hậu quả do cháy rừng gây ra.
Hiện tại tỉnh Đồng Nai đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt và nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng quan tâm và cần xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2023 - 2024 cho đảm bảo, hiệu quả.
Để công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng bền vững ngày càng tốt hơn, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2024 của Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai diễn ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng quan tâm, tích cực thực hiện thời gian tới.
Trong đó, cần tăng cường phối hợp lực lượng tuần tra, truy quét; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về việc không săn, bắn, bẫy, bắt, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, nhất là những loài quý hiếm; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm về lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp; Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh; cần rà soát, báo cáo quỹ đất để trồng rừng thay thế cho năm 2024 và các năm tiếp theo được đảm bảo; phát triển rừng theo quy trình bền vững để nâng cao giá trị sản phẩm rừng…
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã có văn bản gửi đến các phòng, đơn vị trực thuộc về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác QLBVR và PCCCR mùa khô 2023-2024. Trong đó, giao Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thực hiện tốt công tác PCCCR đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; hướng dẫn đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện công tác vệ sinh rừng, thi công đường băng cản lửa, xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; giao các hạt kiểm lâm trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp; tiếp tục phát động, xây dựng phong trào bảo vệ rừng trong các cộng đồng dân cư; ký cam kết về bảo vệ rừng, PCCCR, trưng dụng phương tiện, thiết bị, vật tư chữa cháy của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Nhật Linh
Bình luận