Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ bảy, 14/09/2024 16:09
TMO - Đồng Nai là tỉnh có diện tích đất rừng lớn nhất Đông Nam Bộ, với hơn 181,6 nghìn hecta. Với lợi thế này, thời gian tới địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Rừng của tỉnh Đồng Nai tập trung ở 5 huyện gồm: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch. Trong đó, có gần 100 nghìn hécta rừng đặc dụng, hơn 34,9 nghìn hécta rừng phòng hộ và diện tích còn lại là rừng trồng. Đồng Nai là địa phương ban hành quyết định đóng cửa rừng tự nhiên sớm nhất trên cả nước, nhằm phục hồi, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên và giữ đa dạng sinh học.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai, năm 2023, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng của tỉnh được hơn 49 tỷ đồng. Số tiền trên được chi trả cho các đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ trồng cây phân tán theo đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Hiện diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại Đồng Nai là gần 149,6 nghìn hécta. Trong đó gồm có rừng do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý.
Ngoài ra, trong những năm qua, Đồng Nai có nhiều giải pháp phát triển kinh tế rừng, tăng thêm nguồn thu cho các chủ rừng để đầu tư bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn. Trong đó, có mô hình trồng cây công nghiệp, cây dược liệu dưới tán rừng, khai thác du lịch sinh thái rừng…Tuy nhiên, các mô hình trên chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao vì còn vướng về cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến quy hoạch, đất đai, xây dựng.
Nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt được nhiều kết quả. Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, phát huy đối đa giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; liên kết theo chuỗi từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững giá trị của rừng theo định hướng quy hoạch lâm nghiệp; huy động tối đa nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào hoạt động lâm nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhả kính, nâng cao trữ lượng các-bon từ rừng và cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Đồng Nai triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Cụ thể, địa phương này sẽ tập trung nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ, chế biến gỗ, du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 1,5%/năm; phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong tỉnh Đồng Nai, đáp ứng tối thiểu 28% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới giảm dần nguyên liệu nhập khẩu, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2025 và đạt khoảng 2,8 tỷ USD vào năm 2030; tỷ lệ che phủ rừng Đồng Nai đến năm 2025 duy trì đạt 28,34% và đến năm 2030 đạt 27,4%.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, duy trì phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao chức năng phỏng hộ của rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, phát huy tác dụng của rừng để phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu;
Thực hiện mở rộng thu tiền của các dịch vụ môi trưởng theo quy định nhằm tăng nguồn thu, giảm chi ngân sách, tạo nguồn tài chính cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; phấn đấu đến năm 2025 thu tiền dịch vụ môi trường rừng bình quân đạt 45 tỷ đồng/năm và đến năm 2030 đạt bình quân 50 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ triển khai thực hiện đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đến năm 2025 có 5/5 chủ rừng xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; và mời gọi các doanh nghiệp liên kết, hợp tác, thuê môi trường rừng để lập dự án đầu tư; góp phần từng bước giảm chi ngân sách cho ngành Lâm nghiệp; tăng nguồn thu hợp pháp cho các chủ rừng, từng bước hướng tới cơ chế tự chủ tài chính và sử dụng nguồn thu để đầu tư lại cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; ổn định đời sống của trên 8.000 hộ nhận khoản đất lâm nghiệp, tiếp tục duy trì, ổn định việc làm cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp chế biến và thương mại lâm sản.../.
Hà Trang
Bình luận