Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Chủ nhật, 07/08/2022 07:08
TMO - Với vai trò là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian qua thành phố Cần Thơ đang đẩy mạnh triển khai các Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong xây dựng đô thị thông minh.
Thông tin tại hội thảo Xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030.
Đối với định hướng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặt thù phát triển TP. Cần Thơ. Đây là chủ trương, tiền đề quan trọng cho TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh và thực hiện thành công chuyển đổi số.
Hướng tới mục tiêu này, lãnh đạo TP. Cần Thơ đã quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng đô thị thông minh và thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 – 2025; Quyết định số 1652/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Cần Thơ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Ảnh: Anh Khoa
Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh được UBND TP phê duyệt với kinh phí thực hiện hơn 1.011 tỷ đồng. Trong đó, xác định rõ lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện và tập trung vào 10 lĩnh vực trọng điểm gồm: Hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh; Chính quyền số trong đô thị thông minh; Quy hoạch đô thị thông minh; Giao thông thông minh; Quản lý môi trường thông minh; Nông nghiệp thông minh; An ninh, an toàn trong đô thị thông minh; Du lịch thông minh; Y tế thông minh; Giáo dục thông minh.
Đề án được triển khai qua 3 giai đoạn chính. Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2022) xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Cần Thơ (IOC) và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên ở trên. Giai đoạn 2 (2023-2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh.
Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến năm 2030, TP Cần Thơ trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ÐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc qua, khu vực và quốc tế.
Đến nay, Cần Thơ đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, thí điểm giám sát 8 lĩnh vực gồm: điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; hiệu quả hoạt động của chính quyền; an ninh trật tự và an toàn giao thông; điều hành du lịch. Các lĩnh vực còn lại là tương tác phục vụ phản hồi của người dân; thông tin trên môi trường mạng; cảnh báo chất lượng môi trường; an toàn thông tin mạng.
Trung tâm này sử dụng các nền tảng hiện đại cho việc tích hợp, kết nối, phân tích và xử lý dữ liệu như: trí tuệ nhân tạo (AI); phân tích dữ liệu lớn (Big Data); internet kết nối vạn vật (IoT); dữ liệu không gian địa lý (GIS); điện toán đám mây (Cloud Computing).
Theo đánh giá, Cần Thơ hiện đã đạt được một số kết quả ban đầu trong lộ trình trở thành đô thị thông minh như xây dựng thành công trung tâm quản lý giao thông đô thị; đầu tư hệ thống trang thiết bị quản lý, giám sát dữ liệu quan trắc môi trường tự động.
Sở Giao thông vận tảiTP Cần Thơ cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 1 triệu phương tiện tham gia giao thông. Thời gian tới, Sở sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, điều tiết giao thông. Đặc biệt, trong năm nay, Sở sẽ cho khởi công xây dựng trung tâm quản lý giao thông đô thị, gói thầu quản lý giao thông thông minh tại 15 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn…
Với những lợi thế về kinh tế - xã hội, vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm giao thương của vùng, đòi hỏi TP Cần Thơ phải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
Bùi Nam
Bình luận