Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 09:11
Thứ sáu, 03/12/2021 14:12
TMO - Để bảo vệ, chăm sóc các loài động vật “chẳng may” bị tổn thương “Đội đặc nhiệm” giải cứu thú rừng đã thay phiên nhau ngày đêm túc trực trong rừng sâu, ăn uống sinh hoạt thiếu thốn khổ sở, nhưng với họ, đây không những chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm đam mê, sự yêu quý, thân thiện giữa con người với các loài động vật trước nguy cơ bị giết hại.
Cách trung tâm Thành phố Vinh khoảng 140 km về phía Tây Bắc, diện tích của Vườn quốc gia Pù Mát là 94.804 ha, trải rộng trên 3 huyện của tỉnh Nghệ An, tiếp giáp với Lào và là nơi sinh sống của người Kinh, người Thái, người Thổ (bộ tộc Đan Lai). Với hàng trăm loài thú, chim và bò sát đang sinh sống, nhiều động vật ưu tiên quý hiếm được bảo vệ cấp quốc tế và cấp quốc gia, vườn quốc gia Pù Mát luôn trở thành tâm điểm của thợ săn và lâm tặc.
Những bữa cơm vội, trong hành trình đi giải cứu thú rừng. (Ảnh: Tuấn Quỳnh)
Trước tình trạng này, tháng 6/2018, tổ chức Save Viet Nam’s Wildlife thành lập Đội “Chống săn trộm”, với mong muốn được mang tiếng nói của Việt Nam đóng góp vào hoạt động bảo tồn động vật rừng trên thế giới. Ban đầu thành lập, đội chỉ có 7 thành viên, nay đã lên tới 15 thành viên tham gia. Hầu hết, các thành viên đều có trình độ chuyên môn cao. Để được tuyển chọn, các thành viên phải đáp ứng các tiêu chí nhất định.
Những bước chân lặng lẽ, ngày đêm bảo vệ thú rừng. (Ảnh: Tuấn Quỳnh)
“Đội chống săn trộm” sau đó đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm vườn quốc gia Pù Mát thành lập đội và đôi tên thành “Đội đặc nhiệm”. Sau nhiều năm hoạt động, được người dân bản địa yêu mến, gọi các anh bằng cái tên “Đội đặc nhiệm giải cứu thú rừng”. Đội đặc nhiệm hoạt động theo 1 cơ chế tuần tra chung, có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, giải cứu động vật, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép tại Vườn quốc gia Pù Mát.
Mỗi chuyến tuần tra, đội đặc nhiệm này đi sâu vào rừng từ 10 - 12 ngày. Mỗi chuyến chia làm bốn tổ tỏa đi bốn hướng. Mỗi tổ từ 6 - 10 người (gồm ba thành viên của nhóm bảo vệ rừng chuyên trách, ba kiểm lâm và lực lượng nhận khoán). Di chuyển sâu trong rừng nhiều ngày nên trước lúc đi các thành viên đều phải tính toán kỹ những đồ dùng, lương thực mang theo. Mỗi chuyến đi, các thành viên đều gánh trên vai khoảng 15-20 kg, vượt qua hàng trăm, khe suối, vực sâu hiểm trở. Thực phẩm chủ yếu của đội là lạc rang, cá khô, thịt lợn thái miếng ướp mặn.
Đội tuần tra rừng Pù Mát đang tháo gỡ bẫy giải cứu 1 cá thể Khỉ bị mắc bẫy. (Ảnh: Tuấn Quỳnh)
Đội chia thành nhiều nhóm, lội khe, băng rừng, vượt ghềnh thác và trèo vách đá để vào nơi từng là "điểm nóng" về săn bắt trái phép động vật hoang dã. Các thành viên của đội còn rất trẻ, có sức khỏe tốt, có kỹ năng, kinh nghiệm sống, xử lý, sử dụng thành thạo số liệu thông tin trong thiết bị chuyên dụng.
Anh Nguyễn Hữu Trung – Điều phối nhóm Chống săn trộm chia sẻ: “Ngày đầu vào rừng, các thành viên của nhóm đến từ nhiều nơi khác nhau, việc làm quen với đặc thù của khu rừng này cũng là một thử thách không nhỏ. Chưa kể đến việc sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn. Tuy nhiên, anh em cũng thích ứng nhanh và quen dần. Anh Trung nói thêm, điều khiến tôi và mọi người ám ảnh nhất là tiếng kêu thảm thiết của những con vật bị mắc bẫy của kẻ săn nhiều kinh nghiệm.
Nhiều dụng cụ hỗ trợ săn bắt trái phép khác được phát hiện, thu giữ. (Ảnh: Tuấn Quỳnh)
Khi bắt được các loài thú có giá trị kinh tế cao như chồn, tê tê, khỉ rùa…đám kẻ săn tìm cách mang ngay ra khỏi rừng, còn các loại ít giá trị hơn thì thì được sấy khô bằng củi rồi tìm cách mang ra sau. Sau này, khi biết có “biệt đội”, những kẻ săn bắt tách ra hoạt động đơn lẻ và tinh vi hơn.
Khi bị lực lượng tuần tra phát hiện, tịch thu tang vật, họ sẵn sàng dùng hung khí chống trả, nhưng bằng kỹ năng và kinh nghiệm đã được huấn luyện từ trước, các thành viên của đội cùng lực lượng kiểm lâm đã tìm cách thuyết phục thành công nhiều trường hợp.
Thú rừng "xấu số" bị kẻ săn giết hại, sấy khô, được lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: Tuấn Quỳnh)
Sau thời gian hoạt động “Đội đặc nhiệm giải cứu thú rừng” đã gỡ bỏ, tịch thu hơn 11.000 chiếc bẫy, giải cứu hàng chục cá thể động vật. Riêng trong năm 2020 xử lý được 10 vụ liên quan đến hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, chia sẻ: “Từ khi đi vào hoạt động, Nhóm bảo vệ rừng chuyên trách đã phối hợp với kiểm lâm của vườn hoạt động rất hiệu quả. Từ đó, việc đánh bắt hủy diệt động vật cơ bản được khống chế, chấm dứt tất cả các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã”.
Tuấn Quỳnh
Bình luận