Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 17:01
Thứ sáu, 08/03/2024 18:03
TMO - Từ năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) đã thí điểm áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong khi Hoa Kỳ cũng cũng dự kiến áp dụng Cơ chế này từ năm 2024. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường này sẽ bị áp thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Các chuyên gia nhận định, cơ chế trên sẽ trở thành rào cản khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Rào cản thương mại là biện pháp hoặc chính sách của một quốc gia để hạn chế luồng hàng hóa xâm nhập vào quốc gia đó nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và tăng thu cho Chính phủ. Thực hiện cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp liên quan đến thuế carbon như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU) hay Đạo luật Cạnh tranh sạch của Hoa Kỳ… Đây là những rào cản thương mại đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Liên minh châu Âu (EU) luôn đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Xanh châu Âu đặt ra lộ trình giảm 55% lượng khí thải carbon vào năm 2030 (so với năm 1990) và hướng tới việc là lục địa trung hòa về khí hậu vào năm 2050. Các biện pháp kiểm soát để đạt mục tiêu này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh đối với các doanh nghiệp thuộc EU, điều này khiến các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra ngoài EU (hay còn gọi là rò rỉ carbon), những nơi chưa áp dụng các quy định chặt chẽ về lượng khí thải carbon.
Để đảm bảo sự công bằng khi các quốc gia không thuộc EU không áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự và có chi phí kinh doanh thấp hơn; EU quyết định cân bằng giá carbon trong sản xuất sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu bằng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism – Viết tắt là CBAM). Cơ chế sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất các sản phẩm nhập khẩu.
Thời gian đầu sẽ áp dụng cho các mặt hàng gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydrogen. CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1 tháng 10 năm 2023 đến hết năm 2025. Để tạo điều kiện triển khai suôn sẻ, các nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính nào trong thời gian này. Cơ chế sẽ được thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Được thiết kế tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) và các nghĩa vụ quốc tế khác của EU, hệ thống CBAM sẽ hoạt động như sau: Các nhà nhập khẩu EU sẽ mua chứng chỉ carbon tương ứng với giá carbon lẽ ra phải trả nếu hàng hóa được sản xuất theo quy định về giá carbon của EU. Ngược lại, khi một nhà sản xuất ngoài EU có thể chứng minh rằng họ đã trả giá cho lượng carbon được sử dụng để sản xuất hàng hóa nhập khẩu ở nước thứ ba thì chi phí tương ứng có thể được khấu trừ toàn bộ cho nhà nhập khẩu EU. CBAM sẽ giúp giảm nguy cơ rò rỉ carbon bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất ở các nước ngoài EU xanh hóa quy trình sản xuất của họ.
Ảnh minh họa.
Tương tự, Hoa Kỳ cũng dự thảo Đạo luật Cạnh tranh sạch (Clean Competition Act – CCA) và dự kiến áp dụng trong năm 2024 bao gồm 25 lĩnh vực như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, phân bón, sắt thép, giấy thủy tinh... Giá carbon đề xuất là 55 USD/tấn CO2 với mức tăng 5% điều chỉnh mỗi năm. Thuế carbon sẽ áp dụng cho phần chênh lệch giữa lượng phát thải thực tế và lượng phát thải cơ bản của Hoa Kỳ.
Bắt đầu từ năm 2024, việc điều chỉnh sẽ áp dụng cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm nhiên liệu hóa thạch, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, hóa dầu, phân bón, hydro, axit adipic, xi măng, sắt thép, nhôm, thủy tinh, bột giấy và giấy, và ethanol. Đến năm 2026, điều chỉnh sẽ được mở rộng hơn, bao gồm các mặt hàng thành phẩm nhập khẩu có chứa ít nhất 1.100kg hàng hóa cơ bản sử dụng nhiều năng lượng được bảo hiểm. Vào năm 2028, ngưỡng bảo hiểm sẽ giảm xuống còn 220kg.
Một số quốc gia khác như Nhật Bản, Canada cũng đang có các sáng kiến tương tự. Để đáp ứng với quy định về thuế carbon của các thị trường chính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản là điều không hề dễ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bởi nhiều khái niệm mới, cách tính lượng phát thải carbon trong hoạt động sản xuất ra sản phẩm, công tác báo cáo phát thải, v.v…điều này rất cần sự chung tay giữa cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn để doanh nghiệp dần thích nghi với cuộc chơi, có các giải pháp đáp ứng phù hợp với yêu cầu của các thị trường này cũng như theo xu thế chung của thế giới.
Đối với cơ quan quản lý, cần có quy định chi tiết, cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận với quy định của từng thị trường, xây dựng cơ chế định giá carbon và thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam, xây dựng các chương trình hỗ trợ để đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất hướng tới sản xuất sạch hơn, xanh hơn.
Còn đối với doanh nghiệp, cần chủ động tiếp cận với từng quy định của từng thị trường để có biện pháp ứng phó kịp thời, thống kê các số liệu hoạt động và chủ động tính toán lượng khí nhà kính phát thải, chủ động báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, đánh giá rủi ro và cơ hội dựa trên lộ trình áp dụng của các quy định về thuế carbon hay định hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình trong từng giai đoạn cụ thể. Vượt qua được các rào cản thương mại liên quan đến thuế carbon cũng là để doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ.
Sỹ Quân
Bình luận