Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ hai, 25/04/2022 08:04
TMO - Thực tiễn xây dựng và ứng dụng các giải pháp đô thị thông minh tại các đô thị trên thế giới đã đem lại những hiệu quả tích cực về nhiều mặt như: Giảm lưu lượng giao thông, giảm thời gian đi lại, giảm phát khí thải...
Đến nay, việc phát triển đô thị thông minh đã rộng khắp trên thế giới. Một số quốc gia đã rất tích cực thúc đẩy phát triển đô thị thông minh. Năm 2018, Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN đã được thành lập để nhanh chóng hội nhập quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng chất lượng cuộc sống tối ưu hơn, đồng thời thiết lập mạng lưới kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thông tin để thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng chung của vùng.
Việt Nam cũng có những cơ hội riêng để theo đuổi mô hình đô thị thông minh. Những năm qua, Việt Nam đã tích tụ nhiều cơ sở chuyển đổi số để hòa nhập vào xu hướng chung với khoảng trên 60% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Nhiều doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã nhanh chóng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng phát triển đô thị thông minh ở các cấp độ khác nhau. Nhiều thành phố đã triển khai các chương trình xây dựng thí điểm thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác thế giới.
"Đô thị thông minh" - thách thức không nhỏ với các thành phố.
Giới chuyên gia cho rằng, phát triển đô thị thông minh là cuộc chơi lớn trong đó không chỉ hứa hẹn những kết quả tốt đẹp mà còn có thể chứa đựng cả những rủi ro. Chúng ta đang ở những bước đi khởi đầu trong hành trình tiếp cận, gia tăng tri thức và áp dụng tri thức mới. Thế giới sẽ còn tiếp tục nghiên cứu xu hướng này để tìm ra một giải pháp tối ưu hơn nữa. Nhưng trước mắt, sự nỗ lực của mọi quốc gia trong việc nhận định “sự thông minh” phù hợp trong bối cảnh phát triển của đất nước mình là rất quan trọng, để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển đô thị thông minh nói riêng và phát triển bền vững thế giới nói chung.
Các kết quả nghiên cứu và thực tiễn thực hiện đô thị thông minh trên thế giới mới nhất đã chia sẻ: đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là đô thị ứng dụng công nghệ thông tin mà bản chất của nó phải là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển đô thị theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế. Vì vậy, trong cuộc chơi này, có thể nói, vai trò của chính quyền và thể chế để dẫn dắt, thúc đẩy và định hướng xu hướng này là vô cùng quan trọng.
Những năn gần đây, đã có nhiều nghiên cứu về xu hướng phát triển thế giới, các bài học thực tiễn, vai trò và đánh giá khả năng áp dụng của đô thị thông minh trong bối cảnh Việt Nam để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh hơn như: đã trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định mục tiêu cho phát triển đô thị thông minh của Việt Nam là: “hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống,… hạn chế rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế”.
Đến nay, nhiều địa phương đã chủ động bắt tay triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Cụ thể đã có trên 38 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai đề án cho toàn tỉnh hoặc cho một số đô thị thuộc tỉnh, nhiều địa phương đã phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950. Các địa phương duy trì chế độ báo cáo định kỳ hàng năm tình hình thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại địa phương. Qua rà soát bước đầu thực hiện đô thị thông minh ở địa phương, cho thấy các địa phương đang có những chuyển đổi về cơ chế, đầu tư để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, tiến tới giải quyết 3 trụ cột đã được Quyết định 950 đề ra là quy hoạch thông minh, quản lý thông minh và cung cấp dịch vụ thông minh.
Lê Hùng - Quỳnh Vân
Bình luận