Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ năm, 21/11/2024 14:11
TMO - Phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển khu công nghiệp (KCN) trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng – đây được xem là một trong những giải pháp phát triển khu công nghiệp gắn với chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo các chuyên gia, thế giới đang trong quá trình điều chỉnh hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi trật tự và cấu trúc về thương mại, đầu tư. Các nhân tố tác động mạnh tới Việt Nam được xác định bao gồm: Xoay trục địa chính trị trong chiến lược ngoại giao của các nước lớn; Xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững); Tái sắp xếp chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hình thành chuỗi cung ứng mới; Gia tăng cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư; thiết kế chính sách riêng để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ lõi có giá trị gia tăng lớn hoặc nâng cao vị thế quốc gia (điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hydrogen xanh, phương tiện điện...); Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao; đồng thời đã thành công xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc hàng đầu thế giới.
Đây chính là những yếu tố vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu, mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới. Cụ thể: Cần tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Silicon Việt Nam”; Lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, startup được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...
Theo các chuyên gia, cần thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng; Phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; bảo đảm bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, bảo đảm cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT;
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại ban quản lý KCN, KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT. Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic), tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo các chuyên gia, có thể khẳng định mô hình KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững…/.
VŨ MINH
Bình luận