Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ năm, 18/04/2024 07:04
TMO - Từ đầu năm tới nay, nhiều địa phương của tỉnh Sơn La không có mưa, thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài ở nhiều nơi làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người nông dân. Thực tế này đòi hỏi các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 39 độ, có nơi trên 40 độ, như Yên Châu 40,8 độ; Mường La 41,5 độ. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, Sơn La hiện có 110 hồ chứa nước, gần 2.700 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đảm bảo tưới tiêu cho trên 30.000 ha cây trồng và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị, với diện tích 64.600 ha.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài đã khiến lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ; nguồn nước trên các sông, suối, khe suối đang tiếp tục suy giảm. Nắng nóng đã khiến hơn 1.300 ha lúa Xuân bị ảnh hưởng do hạn hán; trong đó, gần 300 ha lúa có khả năng bị hạn do không có nguồn bơm; gần 50 ha phải chuyển đổi sang cây trồng khác do không có khả năng thu hoạch; nhiều diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng năng suất, sản lượng quả do cạn kiệt nguồn nước tưới.
Theo dự báo năm 2024 có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước sản xuất và ảnh hưởng lớn đến tiến độ và năng suất, sản lượng của các loại cây trồng. Để chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến cây trồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan hướng dẫn nhân dân tập trung sản xuất trồng trọt và thực hiện các giải pháp phòng chống hạn cho cây trồng năm 2024.
Hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến 1.300 ha lúa Xuân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TL.
Đối với cây lúa vụ Xuân, các địa phương cần tiến hành kiểm tra đồng ruộng, kịp thời dặm, tỉa ổn định mật độ; tiến hành chăm sóc, bón phân NPK tổng hợp theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón bổ sung các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và các loại phân ủ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để giảm lượng phân bón hóa học, giảm chi phí sản xuất. Khi bón, cần theo quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất phân bón và theo quy trình kỹ thuật của từng loại cây trồng.
Duy trì mực nước khoảng 2-3 cm đối với lúa cấy khi cây lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu cho nước ngập 7-10 cm hoặc rút nước phơi ruộng, để ruộng khô khoảng 7 ngày nhằm hạn chế đẻ nhánh vô hiệu,... ; thường xuyên kiểm tra chủ động điều tiết nước hợp lý trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa. Tăng cường kiểm tra, theo dõi và phòng trừ hiệu quả, kịp thời các đối tượng sâu, bệnh và dịch hại trên lúa đặc biệt là bệnh đạo ôn lá trên các giống lúa chất lượng; thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên ngành Bảo vệ thực vật.
Cây rau, màu cần tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc như làm cỏ, bón phân và phòng trừ sâu, bệnh cho rau màu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thu hoạch kịp thời khi cây trồng đã đến kỳ thu hoạch nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; có kế hoạch trồng mới cây rau, màu theo cơ cấu, thời vụ gieo trồng, ưu tiên gieo trồng một số cây trồng trái vụ ở những nơi có đủ điều kiện cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và tăng khả năng đề kháng của cây, hướng dẫn người dân sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác để hạn chế sự bốc hơi nước, tăng khả năng chống chịu khi điều kiện khô hạn, nắng nóng kéo dài.
Các loại cây trồng trên nương (lúa nương, ngô, sắn,…) tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp làm đất, cải tạo, bảo vệ đất; không bỏ diện tích đất bỏ hoang; thực hiện luân canh, xen canh cây trồng cho hiệu quả cao hơn. Hướng dẫn người dân phát dọn nương không được đốt khi thời tiết nắng nóng kéo dài và tuyệt đối không để lửa cháy lan vào rừng. Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón; hướng dẫn lịch gieo trồng, lựa chọn các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng theo và theo hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Mùa, vụ Hè Thu năm 2024.
Chủ động phương án sử dụng nước tiết kiệm, lắp đặt các hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp nước cho cây trồng. Ảnh: BSL.
Áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, đầu tư thâm canh và ưu tiên sử dụng giống các giống kháng sâu bệnh tốt. Rà soát, chuyển đổi các diện tích trồng ngô, lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn (cây ăn quả, cây dược liệu) để gia tăng hiệu quả. Tuyết đối không gieo trồng khi nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, đất không đủ ẩm sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nẩy mầm, lãng phí giống và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tạm dừng việc trồng mới cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày trong những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài, đất không đủ ẩm. Trong thời kỳ đang ra hoa - đậu quả non: Không được bón bất kỳ loại phân bón đa lượng (N, P, K) nào cho đến khi cây kết thúc quá trình đậu quả. Khi cây trồng kết thúc quá trình đậu quả: Tiến hành chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật của từng loại cây; phải bón đúng loại, đủ lượng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và NPK tổng hợp; ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học.
Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng vi lượng cho cây bằng cách kết hợp phun phân bón qua lá cùng với phun phòng, trừ sâu, bệnh để giảm rụng quả non, đảm bảo năng suất và chất lượng quả. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, nắng nóng, khô hạn gây ra theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Theo dõi theo dõi chặt chẽ sự phát sinh, phát triển của các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây ăn quả; phòng trừ kịp thời, hiệu quả bằng các loại thuốc đặc hiệu theo “nguyên tắc 4 đúng”.
Bên cạnh đó tập trung hướng dẫn các giải pháp phòng chống hạn, nắng nóng kéo dài cho cây trồng như: Sử dụng nước tiết kiệm (xây dựng lịch tưới nước linh hoạt, chủ động lắp đặt các hệ thống tưới nhỏ giọt) phù hợp cho từng địa bàn; Khi có hạn xảy ra, trước mắt cần tập trung ưu tiên nguồn nước tưới cho diện tích lúa đã gieo cấy và các diện tích cây rau màu, cây trồng mới để tránh cây bị chết do khô hạn. Tạo bóng mát cho vườn ươm giống bằng tấm lưới che có màu tối hạn chế lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào cây, tưới nước vào chiều mát, hoặc sáng sớm cho vườn cây; khi thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài tuyệt đối không được tiến hành trồng mới các loại cây trồng.
Tăng cường tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng các vật liệu như lá khô, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp hoặc màng phủ nông nghiệp trong những ngày nắng nóng xảy ra mạnh để hạn chế sự bốc hơi nước, giữ ẩm cho cây. Tiến hành chăm sóc, bón phân cho cây trồng cân đối, hợp lý. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và tăng khả năng đề kháng của cây; Khuyến cáo người dân nên áp dụng màng phủ nông nghiệp (trải bạt) trong canh tác để hạn chế sự bốc hơi nước, tăng khả năng chống chịu khi điều kiện khô hạn, nắng nóng; đối với diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm cần tận dụng các loại nguyên vật liệu nông nghiệp sẵn có (lá cây, rơm rạ,…) để tủ gốc đảm bảo độ ẩm cho cây trồng.
Đối với sản xuất các loại cây trồng (cây chè, cây cà phê, cây na) thuộc 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được công nhận trên địa bàn huyện Mai Sơn, Mộc Châu tiếp tục hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật của từng loại cây, duy trì ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm phục vụ tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu.
Về công tác đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sơn La hiện đang quản lý, vận hành, khai thác 30 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, nắng nóng kéo dài đã khiến 7 công trình nguồn nước cạn kiệt không còn khả năng khai thác; 11 công trình nguồn nước suy giảm, không đủ lưu lượng phải hoạt động cầm chừng, cấp nước luân phiên; gây thiếu nước cho 9.785 hộ dân khu vực nông thôn với trên 34.700 người. Trung tâm đã thực hiện khơi thông dòng chảy, thu gom các nguồn nước tự nhiên trong khu vực; cấp nước luân phiên nhằm đủ nước ăn, uống cho nhân dân; ưu tiên cấp nước cho các trường học, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan trụ sở.
Để tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh Sơn La đã giao Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn để chủ động kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động, linh hoạt tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước. Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất.
Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để triển khai giải pháp khắc phục, không để người dân thiếu nước sinh hoạt; trường hợp cần thiết huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước cung cấp cho người dân. Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La chủ trì, chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước. Rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi để triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi tình hình ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, dự báo của cơ quan Trung ương để kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước cho các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố và người dân được biết để chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước. Sở Công Thương cũng đã yêu cầu các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương lập kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phù hợp với kế hoạch vận hành hồ chứa.
Đức Long
Bình luận