Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/07/2025 17:07
Thứ tư, 02/07/2025 04:07
TMO - Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, từng bước hình thành nền kinh tế số ở khu vực nông thôn tại tỉnh Điện Biên được xem là giải pháp quan trọng giúp nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân miền núi.
Với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào nông nghiệp đang mở ra hướng đi mới cho nông dân Điện Biên tiếp cận thị trường hiện đại. Nhiều hộ dân, hợp tác xã đã được hỗ trợ đào tạo kỹ năng số, sử dụng sàn thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, các nền tảng số cũng được triển khai trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, cập nhật thông tin thị trường, giúp người dân chủ động hơn trong quá trình canh tác và kinh doanh. Các mô hình như bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng qua mạng xã hội ngày càng phổ biến tại địa phương.
Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Điện Biên như gạo, chè, mắc ca… đang dần xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Việc thúc đẩy kinh tế số không chỉ giúp thay đổi tập quán sản xuất mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa vùng sâu, vùng xa với khu vực phát triển.
Bên cạnh đó, các lớp tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số được tổ chức đến tận các thôn, bản. Đội ngũ cán bộ cơ sở, đoàn viên thanh niên được giao nhiệm vụ hướng dẫn tận tay người dân cách tạo tài khoản trên các nền tảng thương mại điện tử như: Postmart, zalo, facebook... Qua đó, các mặt hàng nông sản của người dân Điện Biên đã tiếp cận thị trường rộng lớn ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, nhiều người dân đã sử dụng ví điện tử, tài khoản ngân hàng để thanh toán tiền điện, nước, học phí hoặc nhận hỗ trợ an sinh xã hội. Đây là tiền đề quan trọng giúp Điện Biên xây dựng nền kinh tế số bền vững và toàn diện. Với cách làm bài bản, phù hợp đặc thù địa phương, nhiều hộ gia đình đã nhận rõ những thay đổi tích cực mà kinh tế số mang lại.
Thực hiện chuyển đổi số, đến nay 94,4% hộ gia đình được thông báo địa chỉ số; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng hình thức thanh toán qua thẻ, thanh toán qua internet banking, mobile banking... Tỷ lệ người dân được phổ biến và sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart, VNeID và các tiện ích (sổ sức khỏe điện tử, lý lịch tư pháp, kiến nghị phản ánh, lưu trú, tạm trú, tích hợp giấy tờ như thẻ Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe...) ngày càng tăng.
Toàn tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ công dân kích hoạt được 97,35% tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh công tác triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó tỷ lệ đối tượng an sinh xã hội được cấp tài khoản đạt 100%; 100% các cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh đã thực hiện thu, nộp học phí, các khoản thu khác qua tài khoản. Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực song phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn.
Người dân Điện Biên bán nông sản trực tuyến trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. (Ảnh: VNN).
Đơn cử, hạ tầng viễn thông ở một số khu vực còn hạn chế, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp, hiện toàn tỉnh còn 30% người dân chưa có điện thoại thông minh; 84 bản chưa có dịch vụ viễn thông, 261 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định. Một bộ phận dân cư còn e dè, chưa chủ động ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến...
Khai thác hiệu quả các nền tảng số đã nâng cao chất lượng cuộc sống đã phát triển trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với nhiều người dân tộc thiểu số ở vùng cao, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Để khắc phục, tỉnh xác định tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng số, mở rộng vùng phủ sóng internet, nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng số cho người dân, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cộng đồng.
Tổ chức nhiều lớp tập huấn sát thực tế, “cầm tay chỉ việc”, ưu tiên phụ nữ và người cao tuổi; xây dựng mô hình hộ gia đình số điển hình. Thúc đẩy kinh tế số trong khu vực nông thôn không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp đột phá giúp Điện Biên khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp và rút ngắn khoảng cách phát triển.
Nhờ các giải pháp đồng bộ của chính quyền, sự hỗ trợ từ các chương trình chuyển đổi số quốc gia và nỗ lực của người dân, kinh tế số đang từng bước lan tỏa đến từng bản làng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, cách tiếp cận thị trường của nông dân. Khi công nghệ số được ứng dụng sâu rộng, người dân Điện Biên không chỉ bán được nông sản với giá trị cao hơn mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương.
Đồng thời, việc làm chủ công nghệ sẽ tạo tiền đề để các hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ lẻ tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, từ trong nước đến quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển nông thôn hiện đại, bền vững và hội nhập. Mặc dù là tỉnh vùng cao, tuy nhiên ứng dụng và tận dụng tốt chuyển đổi số, nông nghiệp và nông thôn Điện Biên hoàn toàn có thể bứt phá.
Hoàng Lan
Bình luận