Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 20:05
Thứ tư, 14/05/2025 12:05
TMO - Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, tỉnh Điện Biên đẩy mạnh triển khai hàng loạt giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2025.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên nhận định, thực trạng biến đổi khí hậu tại Điện Biên ngày càng biểu hiện rõ rệt, kéo theo là thực trạng thiên tai diễn biến khó lường, phức tạp làm ảnh hưởng tài sản của Nhà nước, nhân dân và tính mạng nhân dân.
Năm 2024, tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của 34 đợt thiên tai với nhiều loại hình nguy hiểm như: Rét đậm, rét hại, mưa đá, lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất… làm 13 người chết, thiệt hại về tài sản hơn 537 tỷ đồng. Trong đó trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra rạng sáng ngày 25/7/2024 tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) làm 7 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 175 tỷ đồng. Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của 5 đợt thiên tai làm 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 5,8 tỷ đồng.
Trận lũ quét tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên hồi tháng 7/2024 gây thiệt hại nghiêm trọng.
Xác định công tác phòng chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, tỉnh Điện Biên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, đầu tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang huyện Tủa Chùa đã phối hợp với chính quyền xã Tả Sìn Thàng hỗ trợ di dời 20 hộ dân thuộc cụm dân cư Háng Khúa, thôn Páo Tỉnh Làng 2 ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tủa Chùa cho biết: Việc di dời người dân và tài sản khỏi vùng nguy hiểm là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết. Chính vì vậy, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện các phương án nhanh chóng đưa người dân đến vùng an toàn, đảm bảo về tính mạng và ổn định đời sống cho bà con.
Các địa bàn có nguy cơ cao như cụm dân cư Háng Khúa, chúng tôi đã rà soát và kịp thời di dời người dân trước mùa mưa. Dưới sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện, đến nay, chúng tôi đã di dời nhà cửa, tài sản của 20 hộ dân tại cụm dân cư Háng Khúa ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo cuộc sống ổn định, an toàn cho bà con.
Trước dự báo mùa mưa lũ năm nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ và vật tư tại chỗ. Đồng thời, các địa phương cũng được yêu cầu củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, lực lượng sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra…
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên triển khai dự án bố trí dân cư và bảo vệ hạ tầng, bảo đảm an toàn các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai. UBND tỉnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm nhằm khắc phục hậu quả thiên tai và phòng, chống sạt lở đất tại nhiều huyện trong tỉnh.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông sẽ triển khai các dự án gồm: Kè bảo vệ khu dân cư bản Suối Lư I, II, III (xã Keo Lôm) và kè chống sạt lở khu trung tâm xã Tìa Dình được đầu tư với tổng kinh phí 33 tỷ đồng. Các công trình có kết cấu bê tông, bê tông cốt thép góp phần bảo vệ hơn 280 hộ dân, trên 1.300 nhân khẩu và các trụ sở công cộng quan trọng.
Tại huyện Điện Biên, tỉnh cũng triển khai dự án kè chỉnh trị dòng chảy từ bản Mường Pồn 1, 2 đến bản Tin Tốc (xã Mường Pồn) với tổng vốn 83,5 tỷ đồng, chiều dài tuyến kè khoảng 7km. Dự án này nhằm bảo vệ đất sản xuất, nhà cửa và ổn định dòng chảy cho 90 hộ dân. Huyện Nậm Pồ được đầu tư 17 tỷ đồng để bố trí dân cư vùng thiên tai bản Phìn Hồ, trong đó có các hạng mục san nền, nhà lớp học, đường giao thông, cấp điện và nước sinh hoạt. Hai dự án chống sạt lở, sửa chữa mặt đường tại xã Tỏa Tình và xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo) cũng được triển khai với tổng chiều dài gần 3,2km, giúp đảm bảo an toàn giao thông và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Địa phương này chú trọng công tác di dời dân cư vùng thiên tai.
Dự báo trong năm 2025, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều loại hình khó lường. Các cấp, ngành cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, chú trọng công tác cảnh báo, dự báo thiên tai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh chóng và hiệu quả, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra.
UBND tỉnh đề nghị thành viên Ban Chỉ huy, các cấp, ngành khẩn trương rà soát, hoàn thiện và triển khai các phương án, kịch bản ứng phó phù hợp với đặc điểm, loại hình và diễn biến thiên tai tại từng khu vực. Đặc biệt, cần chú trọng các biện pháp chủ động, quyết liệt nhằm giảm thiểu thiệt hại về người do lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất gây ra.
Công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai phải được tổ chức theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm huy động tối đa lực lượng, phương tiện để phòng tránh, ứng phó và cứu nạn, khắc phục hậu quả một cách kịp thời, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân bằng nhiều hình thức.
Tại những địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng, các địa phương phải xây dựng phương án cụ thể, bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện, đảm bảo tinh thần “chủ động ứng phó ở mức cao nhất”, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.../.
Thùy Vân
Bình luận