Hotline: 0941068156
Thứ ba, 20/05/2025 12:05
Thứ ba, 20/05/2025 06:05
TMO - Trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí, tỉnh Điện Biên đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn gen quý, hệ sinh thái đặc hữu và giữ gìn đa dạng sinh học. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tỉnh Điện Biên đã lồng ghép công tác bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm; nghiêm cấm các hoạt động săn bắt các nguồn gen và động vật hoang dã; phục hồi các diện tích rừng, góp phần mở rộng môi trường sống cho các loài động, thực vật hoang dã.
Tỉnh Điện Biên có hệ động, thực vật rừng đa dạng, phong phú, với nhiều loài quý, hiếm. Toàn tỉnh Điện Biên hiện có hơn 423.000ha rừng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Hệ thực vật rừng gồm 948 loài, trong đó có 41 loài thực vật được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.
Các hệ sinh thái cây bụi, tre nứa có 405 loài thực vật, gồm 3 loài quý hiếm là kim cang nhiều tán, kim cang petelo và hà thủ ô đỏ. Hệ sinh thái trảng cỏ có 259 loài, phần lớn hình thành sau cháy rừng, đốt nương rẫy hoặc các hoạt động đốt cỏ vào mùa khô. Diện tích rừng rộng lớn là môi trường sống của nhiều loài động vật, trong đó có những loài quý hiếm và nguy cấp.
Toàn tỉnh hiện có 3.255 cá thể động vật hoang dã. Trong đó, 889 cá thể thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; còn lại 2.366 cá thể là động vật rừng thông thường. Đặc biệt, Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé và rừng di tích lịch sử, cảnh quan môi trường Mường Phăng là hai khu vực có sự đa dạng sinh học cao, cảnh quan tự nhiên độc đáo, chứa đựng nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã về tự nhiên. (Ảnh: HC).
Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Khu vực này có nhiều cánh rừng nguyên sinh đang được bảo tồn nguyên vẹn với hệ sinh thái rừng phong phú, có tính đa dạng sinh học cao và là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm. Theo đó, Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích là 36.392,28ha, gồm 02 kiểu rừng chính: rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh (36.199,06ha) và rừng hỗn giao gỗ, tre nứa (193,22ha). Nơi đây hiện có 27 bộ, 95 họ và 133 loài động vật rừng.
Trong đó, 55 loài là động vật quý hiếm như gấu chó, gấu ngựa, vượn bạc má, voọc, khỉ, công, niệc cổ hung… Về chim và bò sát, đã ghi nhận 210 loài chim thuộc 13 bộ, 46 họ, trong đó có hai loài được ghi trong Sách đỏ IUCN là bồng chanh rừng và sẻ đồng ngực vàng. Lãnh đạo Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé cho biết, những năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan rừng, tạo điều kiện để các loài động thực vật phát triển.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về vai trò của việc bảo vệ hệ sinh thái, thực vật, động vật rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Đơn vị cũng phối hợp với cơ quan chức năng duy trì, phát triển nguồn gen quý hiếm của các loài động vật rừng. Để tiếp tục phát triển giá trị hệ sinh thái rừng, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành vi, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học.
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm soát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng các dự án hỗ trợ, chương trình và hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển, khai thác, chế biến bền vững lâm sản ngoài gỗ và dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư sống gần rừng.
Việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế cũng là giải pháp quan trọng nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh. Trước đó vào năm 2022, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt kết quả nhiệm vụ điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (hiện nay là Khu dự trữ thiên nhiên Mương Nhé). Trên cơ sở đó, Khu dự trữ thiên nhiên Mương Nhé đã xây dựng hệ thống quản lý thông tin về thực trạng đa dạng sinh học theo kết quả điều tra để phân tích, xây dựng kế hoạch giám sát đa dạng sinh học có định hướng, thường xuyên, tập trung vào các loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị tại Khu bảo tồn…
Điện Biên có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. (Ảnh minh hoạ).
Cùng với đó tổ chức các đợt điều tra đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc trưng, các loài quý hiếm, các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh để có phương án quản lý, bảo vệ và bảo tồn cho phù hợp.
Trong thời gian tiếp theo, Điện Biên tiếp tục chú trọng tăng cường công tác truyền thông, hướng tới thay đổi nhận thức và hành vi nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học, mô hình giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục đồng thời thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên. Góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển; bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, thúc đẩy tiêu dùng bền vững có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; phổ biến, hướng dẫn, thực hiện các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, chỉ thị trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tăng cường ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo vệ và tôn trọng các phong tục tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương như các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao trên địa bàn tỉnh. Tăng cường biện pháp kiểm soát, quản lý con đường du nhập và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại…/.
Minh Thu
Bình luận