Hotline: 0941068156

Thứ sáu, 01/11/2024 08:11

Tin nóng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước

Hải Hà (Quảng Ninh): 2 đa cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Diện tích rừng bị thiệt hại trong 9 tháng của năm 2024 giảm 9,3%

Dừng tiếp nhận tác phẩm tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Đưa quan hệ Việt Nam - Cuba sang giai đoạn mới, phát triển thực chất, bền vững

Hải Phòng: Cây thị gần 400 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

An Giang: Cây gõ mật đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thị và mù u cổ thụ ở Thừa Thiên-Huế được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 4

Thêm 45 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam, có cây gần 800 năm tuổi

Thủ tướng: Đảm bảo an toàn mới cho học sinh đến trường, lưu ý giữ gìn vệ sinh môi trường

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục thiệt hại do bão số 3

Quảng Ninh và Hải Phòng dồn toàn lực ứng phó bão số 3

Thứ sáu, 01/11/2024

Di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội thành – giải pháp căn cơ kéo giảm phát thải

Thứ tư, 30/10/2024 14:10

TMO - Thành phố Hà Nội hiện đang nỗ lực di dời các nhà máy đến vùng ngoại thành và lập ra các giải pháp xanh nhằm cải thiện ô nhiễm không khí và hệ sinh thái do phát thải công nghiệp.

Ô nhiễm không khí từ các nhà máy, xí nghiệp trong nội thành đang là thách thức lớn với Hà Nội. Chính quyền thành phố đã lên kế hoạch di dời những cơ sở gây ô nhiễm, nguy cơ gây ô nhiễm ra vùng ngoại thành, nhằm hướng đến phát triển bền vững và cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Thực trạng ô nhiễm không khí từ phát thải công nghiệp

Hà Nội hiện đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ các hoạt động công nghiệp làm phát sinh lượng lớn khí thải CO2 và bụi mịn cũng như tiềm ẩn các chất độc hại như SO2, NOx và kim loại nặng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Hà Nội vào nhóm thành phố ô nhiễm hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội cao gấp nhiều lần mức khuyến cáo an toàn, được cảnh báo gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân.

Nhà máy dệt kim ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. ( Ảnh: PĐ). 

So với các đô thị lớn khác ở Việt Nam như TP. HCM và Đà Nẵng, Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ phát thải công nghiệp do mật độ nhà máy tập trung gần khu dân cư, đặc biệt là ở những quận nội thành như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai. Ô nhiễm không khí không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn cản trở sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Tác động thế nào lên môi trường và con người?

Chất thải từ các nhà máy gây ô nhiễm không khí, hủy hoại môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Khí thải CO2, metan và các khí nhà kính khác làm trầm trọng thêm hiện tượng nóng lên toàn cầu, gây ra những biến đổi khí hậu cực đoan như lũ lụt, hạn hán. Nhiều loại động vật và thực vật không thể phát triển trong môi trường ô nhiễm, dẫn đến phá vỡ cân bằng hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, nó cũng đe dọa đến sức khoẻ của con người. Theo các chuyên gia y tế, bụi mịn PM2.5 và các chất khí độc có khả năng thâm nhập vào phổi, gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như hen suyễn, viêm phổi, tim mạch, thậm chí ung thư. Theo WHO, chi phí y tế và phúc lợi xã hội cho các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm 7,74% tổng chi phí y tế của Hà Nội.

Nỗ lực di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô

Trong những năm qua, nhiều nhà máy công nghiệp vẫn duy trì hoạt động trong nội thành, vừa đóng góp kinh tế vào sự phát triển của toàn thành phố nhưng cũng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Hàng loạt nhà máy và xí nghiệp đã tồn tại rất lâu ở các tuyến đường chính thuộc các quận trung tâm của thành phố. Nổi bật trong số đó có thể kể đến các nhà máy thuộc tổ hợp “Cao – Xà – Lá” (bao gồm Nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long) trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, từ lâu đã trở thành các công trình mang giá trị về kiến trúc mà còn về phát triển kinh tế - xã hội, mang đậm dấu ấn lịch sử của Hà Nội một thời.

Tổ hợp “Cao-Xà-Lá" hơn 50 năm tuổi nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. (Ảnh: AH). 

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí và quá tải hạ tầng, chính quyền Hà Nội đã đưa ra quyết định di dời các nhà máy xí nghiệp gây ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực 12 quận nội thành theo “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Mục tiêu của đề án này là cải thiện chất lượng không khí và tạo ra không gian sống xanh, sạch, đẹp cho người dân.

Theo kế hoạch, nhiều cơ sở công nghiệp cũ sẽ được di dời đến các khu công nghiệp nằm ở các huyện ngoại thành như Thanh Oai, Gia Lâm, và Đông Anh. Năm 2023, những nhà máy lớn như Nhà máy Bia Hà Nội, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang và tổ hợp “Cao – Xà – Lá” nằm trong danh sách 9 nhà máy và cơ sở công nghiệp phải di dời gấp trong vòng 5 năm tới theo kế hoạch của UBND Hà Nội.

Từ tháng 2/2020, mọi hoạt động sản xuất của Nhà máy thuốc lá Thăng Long đã được di dời về KCN Thạch Thất, (thị trấn Quốc Oai, TP. Hà Nội). (Ảnh: Ngọc Anh). 

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, thành phố đã chủ động rà soát hướng dẫn các nhà máy di dời, nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí di dời cao, quỹ đất thay thế hạn chế, và sự phản đối từ một số doanh nghiệp do ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Kế hoạch di dời đã được ban hành và triển khai từ nhiều năm trước nhưng đến cuối năm 2023, mới chỉ có 67 cơ sở được di dời ra ngoại thành, trong khi rất nhiều cơ sở khác vẫn đang hoạt động giữa các khu dân cư đông đúc. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, những cơ sở công nghiệp này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn. Điển hình như vụ cháy lớn bùng phát tại khu xưởng rộng 6.000m² của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ở phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân năm 2019. Lửa lan sang khu dân cư, buộc nhiều hộ dân phải sơ tán. Tuy không gây ra thiệt hại về người, nhưng vụ cháy thiêu rụi hàng triệu bóng đèn các loại, gây thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng.

Bộ TN&MT cho biết, các chất độc hại cũng như nồng độ thủy ngân quanh khu vực nhà máy không vượt chuẩn, nhưng vẫn ghi nhận ở mức cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý người dân. Theo thông tin, 151 người phải chuyển tuyến để kiểm tra do nghi nhiễm độc thủy ngân, nhiều gia đình thuộc khu dân cư gần nhà máy đã phải đóng cửa hàng quán hoặc treo biển bán nhà vì lo sợ. Ngay sau đó, nhà máy này đã buộc phải di dời về Quế Võ, Bắc Ninh.

Hiện trường vụ cháy nhà máy Bóng đèn Rạng Đông ở phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân vào tháng 8/2019. (Ảnh minh hoạ).

Đối mặt với những khó khăn trong quá trình di dời, Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về đất đai và thuế nhằm đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Việc quy hoạch quỹ đất sau khi di dời cũng cần được thực hiện hợp lý, tránh lãng phí và ưu tiên phát triển hạ tầng công cộng. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các ban ngành, cấp quản lý và địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận từ doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá tiến độ sẽ giúp đảm bảo hiệu quả, thúc đẩy quá trình di dời nhanh chóng và đúng kế hoạch.

Giải pháp đồng bộ hướng tới mục đích xanh

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí và tăng cường chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực thủ đô Hà Nội, bên cạnh việc thúc đẩy di dời các nhà máy công nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: Đầu tư vào công nghệ sạch, tăng cường giám sát và kiểm tra cũng như tuyên truyền, phát triển không gian xanh và nâng cao ý thức cộng đồng.

Các doanh nghiệp cần được khuyến khích đổi mới dây chuyền sản xuất, áp dụng các công nghệ ít phát thải hơn, thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng hiệu quả sản xuất và đảm bảo phát triển bền vững. Triển khai hệ thống giám sát tự động tại các cơ sở công nghiệp giúp tăng cường và thắt chặt hơn trong việc quản lý và xử phạt nghiêm các vi phạm môi trường. Việc này không chỉ tạo ra rào cản ngăn chặn hành vi xả thải trái phép mà còn thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Thêm vào đó, Hà Nội cần đặt mục tiêu xây dựng thêm nhiều mảng xanh trong nội thành, nhất là ở các khu vực đông dân cư và chịu ảnh hưởng lớn từ ô nhiễm môi trường, tạo ra không gian thư giãn nhằm cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân. Các chiến dịch tuyên truyền thông điệp về lối sống xanh, nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm không khí và cách tự bảo vệ sức khỏe cũng cần được lan tỏa đến người dân và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Công viên Cầu Giấy ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy được coi là một trong những “lá phổi xanh" của Hà Nội. (Ảnh: BLĐ).

Trước đó, bên cạnh kế hoạch cải tạo và xây mới chung cư cũ, kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành là một trong hai nhiệm vụ quan trọng và liên kết mật thiết đến sự phát triển đô thị của Hà Nội nhưng đều đang trong tình trạng chậm trễ và kéo dài nhiều năm. Hà Nội có chủ trương tái thiết không gian của các cơ sở công nghiệp này sau khi di dời thành không gian công cộng và mở rộng thành khu dân cư phức hợp. Đồng thời, cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng xanh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là giảm 12,14% lượng phát thải khí nhà kính, kỳ vọng trở thành thành phố thông minh và thân thiện với môi trường, đảm bảo được chất lượng cuộc sống của cộng đồng và hướng tới phát triển bền vững.

Di dời các nhà máy ra khỏi nội thành là giải pháp căn cơ cải thiện môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ thiết thực và các giải pháp đồng bộ, ưu tiên phát triển không gian xanh và hạ tầng công cộng. Đây sẽ là một minh chứng cho sự quyết tâm và tầm nhìn bền vững của thành phố, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đô thị và cả nước.

 

 

Ngọc Anh

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline